Trung tâm khuyến nông Hà Nội

Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại

- Thứ Tư, 12/05/2021, 06:58 - Chia sẻ
Diễn đàn “Khuyến nông - Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” do Trung tâm khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) phối hợp UBND huyện Gia Lâm tổ chức gần đây đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn huyện thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố, đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các siêu thị.

Mong muốn kết nối với doanh nghiệp 

Hiện nay trên địa bàn huyện Gia Lâm đã hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ví dụ như mô hình chăn nuôi lợn theo hướng sinh học; mô hình chuỗi liên kết sữa hợp tác xã Phù Đổng; chuỗi liên kết rau an toàn tại xã Văn Đức, Đặng Xá...  Mặc dù các sản phẩm chủ lực của huyện đã có mặt tại các siêu thị, xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài nhưng hiện mới có 1/3 chuỗi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Gia Lâm đã hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nguồn: ITN
Huyện Gia Lâm đã hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nguồn: ITN

Là một trong những mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương chia sẻ, ưu điểm lớn nhất của mô hình trồng rau thủy canh là cho sản phẩm đồng đều, chất lượng an toàn. Tuy nhiên, để đầu tư trồng rau thủy canh cần có số tiền lớn, song giá bán sản phẩm rau thủy canh của hợp tác xã đang bị đánh đồng với các loại rau thông thường. “Mong muốn của hợp tác xã là được liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm rau thủy canh Đa Tốn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị”, ông Phương cho biết.

Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm giò gà Lan Vinh, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Công ty CP thương mại Lan Vinh cho biết, hiện công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ gà khép kín theo công nghệ châu Âu, công suất hoạt động của công ty đạt hơn 3.000 con/ngày. Bên cạnh việc giết mổ gia cầm, công ty còn sản xuất các sản phẩm chế biến từ gia cầm như giò gà, ruốc gà, được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm của công ty chủ yếu được trường học, bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung ứng dài hạn. Qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn được kết nối với các chủ trang trại tiêu thụ sản phẩm về gia cầm như gà, vịt, chim cút, chim câu. Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, muốn kết nối hợp tác với các doanh nghiệp, kênh siêu thị bán lẻ có nhu cầu nhập sản phẩm của cơ sở để cung cấp cho thị trường”, bà Lan nói. 

Gỡ “điểm nghẽn” trong tiêu thụ nông sản

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng thông tin, hiện nay toàn huyện đã hình thành được 1.688ha vùng đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, 264ha vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 7ha vùng sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 308 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,52 lần so với năm 2015. Toàn huyện Gia Lâm có 13 xã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 14 xã ứng dụng hệ thống mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Cũng theo ông Hồng, thời gian qua, Gia Lâm đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn thấp; việc tiêu thụ nông sản an toàn còn vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Chỉ ra “điểm nghẽn” trong việc kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố, Tổng Giám đốc An Việt Group - ông Đỗ Hoàng Thạch cho rằng, nông sản an toàn của các nông hộ, chủ trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa đồng đều về chất lượng; nhiều hộ sản xuất tốt nhưng chưa hoàn thiện chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Muốn đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại, nông dân cần đáp ứng các điều kiện vừa nêu, đồng thời cần liên kết, tổ chức lại sản xuất.

Về giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu gợi ý, nông dân cần phải lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tin tưởng, sẵn sàng bắt tay liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.

Để gỡ "nút thắt" trong tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội sẽ hình thành sản phẩm đặc trưng của huyện, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về chế biến, quản lý sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu sản phẩm sạch của huyện Gia Lâm. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở đã và đang tập trung vào nhiều giải pháp cụ thể như khắc phục hậu quả của thời tiết bất thường, nâng cao hiệu quả về công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì bền vững các chuỗi cung ứng nông lâm, thủy sản đã được thiết lập. Tăng sản lượng sản phẩm kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi đưa về tiêu thụ tại Hà Nội, tiến tới toàn bộ sản phẩm tiêu thụ đều được kiểm soát trong chuỗi, từ đó nâng cao đầu ra chất lượng nông sản.

Thảo Anh