Thảo luận bàn tròn giữa Quốc hội Việt Nam - Quốc hội Hungary

Đưa quan hệ hợp tác Nghị viện ngày càng thực chất, hiệu quả

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 06:20 - Chia sẻ
Với chủ đề mang đậm tính thời sự và thực tiễn: các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, cuộc thảo luận bàn tròn giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hungary. Đây là hoạt động thiết thực trong tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác được hai cơ quan lập pháp ký năm 2008. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, cần tiếp tục tổ chức những hoạt động và hình thức hợp tác tương tự, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai Quốc hội, đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên đi vào thực chất, hiệu quả.

Chủ đề đậm tính thời sự

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và Hungary. Diễn ra trong bối cảnh đó, cuộc đối thoại bàn tròn giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước nhằm chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, kinh nghiệm quý báu của mỗi bên trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4.2021 với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, dẫn tới việc phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ; từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Việt Nam đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine ở Việt Nam là 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,8% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 11,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Đề cập tới nội dung được phía Bạn rất quan tâm là những hành động của Quốc hội nhằm giải quyết những hệ lụy do đại dịch gây ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời ban hành các quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau khi Việt Nam thay đổi chiến lược về phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy nội lực và tiềm năng phát triển kinh tế. Trước những khó khăn, thách thức mà đại dịch Covid-19 tiếp tục đặt ra với thế giới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy nội lực, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, tạo đà cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách, giải pháp hỗ trợ này được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng; tập trung kích thích cả phía cung và phía cầu, hỗ trợ khắc phục ngay những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, người lao động trong ngắn hạn để phục hồi, củng cố nền tảng, tạo đà tăng trưởng và phát triển trong tương lai, từ đó đóng góp chung vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Hungary Márta Mátrai cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của Việt Nam về kinh nghiệm ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Chúc mừng Việt Nam về những thành công bước đầu trong phục hồi nền kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng “dương” trong bối cảnh đầy thách thức, khó khăn do đại dịch gây ra cũng như các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hungary cũng chia sẻ một số biện pháp phòng, chống dịch và bảo vệ nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Bà Márta Mátrai cho biết, Hungary đã ban hành chương trình bảo vệ nền kinh tế gồm các chính sách hỗ trợ khu vực việc làm, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, người lao động và các biện pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ các hộ gia đình... Hungary cũng đưa ra chương trình phát triển kinh tế gồm các biện pháp kích thích phục hồi và tăng trưởng. Với các nỗ lực này, nền kinh tế Hungary đang trên đà dần phục hồi.

Toàn cảnh thảo luận bàn tròn giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary với chủ đề: các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19

Ảnh: Thanh Chi 

Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động  

Trao đổi thêm về một số đổi mới và những kết quả cụ thể trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, Quốc hội Việt Nam đã quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp bách của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Việc tiến hành các nội dung tại kỳ họp được thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục như các kỳ họp thông thường. Điểm mới của các kỳ họp Quốc hội gần đây là công tác tổng hợp ý kiến thảo luận tổ được tiến hành ngay sau mỗi phiên thảo luận tại tổ, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Chính phủ để khẩn trương tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở Tổ gửi cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước phiên thảo luận toàn thể. Bên cạnh đó, việc biểu quyết thông qua các nội dung của kỳ họp cũng được đổi mới, thực hiện bằng hệ thống biểu quyết điện tử qua phần mềm cài đặt trên iPad. Điều này thể hiện sự linh hoạt, chủ động, không ngừng đổi mới, tự hoàn thiện mình của Quốc hội Việt Nam nhằm thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của Nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Khẳng định điều này, Phó Tổng thư ký Quốc hội cũng nêu rõ, đây là tiền lệ tốt để hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đáp ứng mục tiêu cao nhất vì sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân vào các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thích ứng linh hoạt và an toàn trong và sau đại dịch.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Hungary Márta Mátrai cho biết, trước tình hình dịch Covid-19, Quốc hội Hungary cũng chuyển từ hình thức họp trực tiếp sang trực tuyến, thay đổi phòng họp nhằm bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch… Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội đánh giá, những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam hết sức ấn tượng và linh hoạt, là những kinh nghiệm quý để Quốc hội Hungary tham khảo.

Đây là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary phối hợp tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm kể từ cuộc tọa đàm đầu tiên được tổ chức tại Hungary nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2017. Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Márta Mátrai nhớ lại: Cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cải tổ nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế đã rất thành công. Tại thời điểm đó, hai bên đã nhất trí phối hợp tổ chức tọa đàm hàng năm, nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và các chủ đề hai bên cùng quan tâm. Cuộc tọa đàm thứ hai được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Yakab István năm 2019, tập trung vào chủ đề hai bên cùng quan tâm là phát triển nông nghiệp bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary mong muốn, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phát huy cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội mỗi nước.

Diễn ra trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, thông qua thảo luận bàn tròn lần này, hai bên đã chia sẻ nhiều thông tin về tình hình của mỗi nước, về hợp tác song phương và đặc biệt là những kinh nghiệm quý trong hoạt động nghị viện trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19.

Nhấn mạnh đây là hình thức hợp tác rất hiệu quả với những chủ đề cùng quan tâm, có tính thời sự, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong rằng, Quốc hội hai nước tiếp tục tổ chức các hoạt động và hình thức hợp tác tương tự, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai Quốc hội, đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên đi vào thực chất, hiệu quả.

Nhật An