Dựa vào khoa học - công nghệ để phát triển

- Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:34 - Chia sẻ
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH – CN) và Ban Tuyên giáo TƯ đang soạn thảo Đề án Phát triển KH - CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XI). Theo THỨ TRƯỞNG BỘ KH - CN TRẦN VĂN TÙNG, không thể dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, không thể dựa trên thế mạnh về đất đai, về nguồn lao động rẻ nữa mà phải dùng KH - CN để phát triển KT - XH.

- Đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển KH-CN, vậy tại sao đến nay chúng ta phải xây dựng một nghị quyết mới, thưa Thứ trưởng?

- Việc xây dựng nghị quyết mới về KH - CN chính là triển khai những nội dung và cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong các nghị quyết của Đảng, trong đó chỉ rõ phát triển KH - CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần có những chỉ đạo cụ thể, mạnh mẽ của Đảng để thúc đẩy ứng dụng KH - CN vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của xã hội nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Vấn đề lớn đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần có Nghị quyết mới của TƯ, để chúng ta thấy rằng không thể dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, không thể dựa trên thế mạnh về đất đai, về nguồn lao động rẻ nữa mà phải dùng KH - CN để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và trong thời gian tới, Đảng phải chỉ đạo quyết liệt để KH - CN thực sự đi vào cuộc sống và như vậy rất cần nghị quyết mới ra đời để chỉ đạo cho hoạt động KH - CN.

Trong Đề án Phát triển KH - CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới các giải pháp về: hoàn thiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH - CN, phát triển thị trường KH - CN, nghiên cứu cơ chế khoán trong khoa học... để KH - CN có những bước đột phá, trở thành động lực phát triển đất nước.

- Hiện nay chúng ta có định mức ngân sách cho KH - CN là 2%/năm. Theo Thứ trưởng, ngân sách này đã đủ đáp ứng cho hoạt động của KH – CN hay chưa?

- Hiện nay đầu tư của Nhà nước cho hoạt động KH - CN chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách (tương đương 18 nghìn tỷ đồng/năm), con số này chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của hoạt động KH - CN. Trong khi đó, nguồn vốn từ xã hội của ta cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 1/3 trong khi ở các nước phát triển phải là 2/3 tổng đầu tư cho KH - CN. Bên cạnh đó, khoảng 40% kinh phí đầu tư phát triển không do Bộ KH - CN quản lý nên các ngành, địa phương lại giải ngân sai mục đích…

Vì vậy, thời gian tới phải làm sao tổng chi cho KH - CN phải tăng lên, đạt từ 1,5 - 2% tổng chi ngân sách, trong đó 1/3 là từ Nhà nước còn 2/3 từ lực lượng xã hội, có như vậy thì KH - CN mới có điều kiện phát triển.

- Vậy Bộ đã có những giải pháp nào để giúp các nhà khoa học yên tâm cống hiến cho hoạt động KH - CN?

- Bộ KH - CN đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 96/2007/NĐ-CP. Trong đó, sẽ đưa kinh phí hoạt động thường xuyên gồm tiền lương, tiền công và hoạt động bộ máy vào dự toán kinh phí đề tài. Việc này sẽ giúp các tổ chức KH - CN có thể lấy toàn bộ tiền lương, tiền công đưa vào quỹ thu nhập của tổ chức KH - CN từ mỗi nhiệm vụ KH - CN. Lãnh đạo đơn vị có quyền quyết định chi cho từng người là bao nhiêu tùy theo mức độ đóng góp và năng lực công tác của họ. Với cách làm như vậy sẽ tránh được tình trạng không phải bịa ra các chuyên đề. Bởi chuyên đề bản chất là chi cho con người.

Tuy nhiên, để có thể đưa được mức tiền lương, tiền công vào mỗi nhiệm vụ sẽ phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho mỗi loại đề tài. Việc này sẽ giải quyết được tình trạng có những chuyên đề không cần thiết nhưng vẫn được thực hiện để đủ chứng từ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng Đề án Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH - CN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đưa ra những giải pháp cụ thể để đổi mới cơ chế tài chính.

- Ý kiến của Thứ trưởng như thế nào về việc áp dụng cơ chế khoán, định mức cụ thể cho từng nhiệm vụ nghiên cứu?

- Không thể có một định mức cho tất cả mọi nhiệm vụ, những người cán bộ khoa học là người đầu tiên đề xuất ra nhiệm vụ thì cũng là người đề xuất ra kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đó. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần thẩm tra xem kinh phí các nhà khoa học đưa ra có hợp lý hay không.

Hơn nữa, trong khoa học luôn có những rủi ro, không phải trường hợp nào cũng khoán được. Hiện nay chỉ có ngành nông nghiệp đang thí điểm áp dụng cơ chế khoán trong nghiên cứu vì đặc thù ngành này là có thể cho ra những sản phẩm hữu hình như giống cây, giống con… còn lại các lĩnh vực khác như khoa học xã hội, nhân văn; khoa học ứng dụng lại không áp dụng được như vậy. Quan trọng là xác định được tính cấp thiết, chất lượng nghiên cứu, sự đóng góp của đề tài và phương pháp đánh giá, nghiệm thu đề tài. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra cơ chế quản lý mở, thuận lợi cho các nhà khoa học trong lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trần Hồng thực hiện