Đưa vào quy hoạch để làm gì?

- Thứ Hai, 01/03/2021, 10:44 - Chia sẻ
Hà Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, An Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Lai Châu... đã đề xuất được bổ sung sân bay vào quy hoạch. Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất giao cho tỉnh quản lý sân bay hiện hữu rộng hơn 100ha và tỉnh sẽ lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400-500ha theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Dù không muốn nhưng thực tế, việc này có thể coi như "vết xe đổ" đã từng diễn ra trước đây đó là tỉnh nào cũng quy hoạch xây dựng nhà máy đường, cảng biển, nhà máy đóng tàu, tượng đài... với những lý do về sự cần thiết được nêu ra khá thuyết phục. Có khác chăng là các sân bay này mới dừng lại ở đề xuất đưa vào quy hoạch. Và cho dù mới ở dạng đề xuất đưa vào quy hoạch nhưng đã bộc lộ rất nhiều bất cập, thậm chí thấy rõ không khả thi.

Như việc đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay của Ninh Bình, giả sử sân bay này được xây dựng thì có cạnh tranh được với các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vân Đồn, Vinh. Hay như với đề xuất của Quảng Trị, nếu được xây dựng, sân bay này sẽ nằm giữa sân bay Phú Bài của Thừa Thiên Huế và sân bay Đồng Hới của Quảng Bình thì liệu có phát huy được hiệu quả? Đề xuất của An Giang cũng trong bối cảnh "khó khăn" tương tự vì sân bay Cần Thơ chỉ cách vài chục km.

Cần nhắc lại rằng, hiện phần lớn các sân bay của nước ta đang trong tình trạng thua lỗ, chỉ có 6 sân bay không lỗ và 2 sân bay là Tân Sơn Nhất và Nội Bài có lãi. Trong số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, 16 sân bay còn lại đang bị lỗ; nhiều sân bay có công suất hoạt động rất thấp so với thiết kế, doanh thu không đủ bù chi phí... Vậy thì những lý do mà các địa phương đưa ra để đề xuất được "vào" quy hoạch xây dựng sân bay như có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, đang tập trung phát triển công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư nước ngoài... liệu có thuyết phục?

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã từng lý giải việc "xuất hiện" nhiều sân bay thời gian gần đây là theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay trong cả nước đến năm 2050 và không có nghĩa cứ có quy hoạch là đầu tư. Đặc biệt, sân bay để khai thác liên vùng chứ không bay từ tỉnh này sang tỉnh lân cận...

Vậy thì có nên đề xuất và chấp thuận đề xuất bổ sung vào quy hoạch những sân bay với những lý do mà hầu như địa phương nào cũng có và hiệu quả như thế nào chưa rõ ràng hay không?

Khương Ninh