Diễn đàn: Để hoạt động giám sát, thiết thực hiệu quả

Đừng chất vấn kiểu “bắn chỉ thiên”

- Thứ Ba, 06/09/2016, 07:23 - Chia sẻ
Để một phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của cả người chất vấn (ĐBQH), người trả lời chất vấn (bộ trưởng, trưởng ngành) và người điều hành phiên chất vấn (Lãnh đạo QH). Những đề nghị với bộ trưởng, trưởng ngành khi tham gia trả lời chất vấn đã được nhiều ĐBQH, chuyên gia đưa ra trong Diễn đàn Để hoạt động giám sát thiết thực, hiệu quả đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân. Với những người chất vấn, tuyệt đối không được đưa ra những nội dung chất vấn kiểu “bắn chỉ thiên”, trúng thì trúng, không trúng thì thôi…

“Tôi chưa nhận được cuộc điện thoại nhắc nhở nào”

Điều hành của chủ tọa không chỉ góp phần tạo ra sự “kịch tính” của phiên chất vấn mà còn “chốt” lại những việc cần tập trung trả lời, những việc cần làm ngay để đáp ứng đòi hỏi của cử tri. Vì thế, với chủ tọa điều hành phiên chất vấn, tôi cho rằng, cùng với việc công khai, dân chủ thì sự xuất hiện đúng lúc để “nắn” phiên chất vấn về đúng trọng tâm và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân đưa ra là rất quan trọng để bảo đảm thành công của phiên chất vấn.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh

Đối với ĐBQH, tôi cho rằng, yếu tố cần quan tâm hoàn thiện trước tiên là phát hiện ra vấn đề, từ việc thường xuyên cập nhật thông tin thực tiễn, chính sách, pháp luật để tránh đưa ra chất vấn kiểu “bắn chỉ thiên”, trúng thì trúng, không trúng thì thôi. Tôi tin rằng, nếu chịu khó cập nhật kiến thức và thông tin, thì đại biểu cũng sẽ tránh được những chất vấn có phạm vi hẹp, mang tính chất cục bộ, địa phương, không đúng với thẩm quyền của bộ trưởng, trưởng ngành. Đại biểu cũng cần chú ý chỉ chất vấn khi có sự chuẩn bị kỹ càng, không thể nể nang với những lời nhờ chất vấn từ ĐBQH khác, hay từ một tổ chức, cá nhân, nhóm cử tri nào đó. Nếu đại biểu chất vấn theo kiểu như vậy rất dễ không mạch lạc, nhiều câu hỏi song không liên quan đến nhau, làm loãng không khí phiên họp.

Trên Diễn đàn của Báo Đại biểu Nhân dân đã có ý kiến chỉ ra mâu thuẫn: Đáng ra bản lĩnh và dũng khí phải là thuộc tính vốn có của đại biểu dân cử, thì đang được đặt ra như một yêu cầu với đại biểu. Tôi cho rằng, yêu cầu bản lĩnh và dũng khí được đưa ra với đại biểu còn có nguyên do từ văn hóa ứng xử đặc trưng của người Việt không thích đao to, búa lớn, phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong khi đó, việc chất vấn là làm rõ trách nhiệm “anh - tôi” và cách xử lý trách nhiệm đó. Vì thế, truyền thống ứng xử của người Việt ta cũng là một rào cản không thể không nhắc đến. Tôi tin rằng, áp lực từ cử tri và dư luận xã hội sẽ giúp ĐBQH bước qua được rào cản này, đưa ra những chất vấn sắc sảo, đeo bám đến cùng việc làm rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành.

Việc thể hiện không đầy đủ dũng khí và trách nhiệm của ĐBQH cũng không thể “vin” vào lý do sẽ có cuộc điện thoại nhắc nhở rằng, đại biểu chất vấn như vậy sẽ gây khó khăn cho địa phương. Cá nhân tôi chưa từng nhận được những cuộc điện thoại như vậy. Thậm chí, khi tôi chất vấn, lãnh đạo địa phương còn gọi điện bảo nói đúng và trúng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Sự thay đổi này có thể hiểu được, vì chính quyền các cấp đều đã và đang thực thi chức năng, nhiệm vụ theo hướng ngày càng công khai, minh bạch hơn. Trước đây, có thể có e ngại với chất vấn của ĐBQH, nhưng với sự lan tỏa mạnh mẽ của không khí sinh hoạt dân chủ tại QH xuống các cấp chính quyền, thì tôi thấy, hầu như không còn các phản ứng về việc chất vấn của đại biểu nữa.


ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quang Khánh)

Cần rõ hơn vai trò giám sát của UBTVQH

Để thực hiện yêu cầu theo dõi đến cùng việc thực hiện nghị quyết về giám sát do QH ban hành, tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, thì cần tạo thành nếp giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của QH về nội dung này. Trong đó, với thẩm quyền, trách nhiệm đã được pháp luật quy định rõ, UBTVQH phải chỉ đạo sát sao quá trình tiến hành các bước tiếp theo nhằm thực hiện nghị quyết của QH. Ví dụ như, ngay sau khi kết thúc kỳ họp, UBTVQH cần làm việc với Chính phủ về các vấn đề nghị quyết của QH đưa ra, buộc Chính phủ phải xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết. UBTVQH cũng cần yêu cầu Chính phủ phải định kỳ báo cáo việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH, chứ không phải đến hẹn lại lên, chỉ bộ trưởng, trưởng ngành nào được ĐBQH chọn trả lời chất vấn mới đưa ra báo cáo cụ thể.

Có thể thấy, trừ ĐBQH chuyên trách, còn các đại biểu kiêm nhiệm chỉ có thể dành từ khoảng 30% thời gian để thực hiện trách nhiệm làm đại biểu dân cử. Bởi vậy, tôi cho rằng, vai trò của UBTVQH trong giám sát việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn cần rõ hơn. Hiến pháp và pháp luật hiện hành đã trao cho UBTVQH một số thẩm quyền với triển khai thực hiện luật, nghị quyết được QH thông qua. Mặt khác, nếu vấn đề nào đã được giám sát, đốc thúc thực hiện mà vẫn chậm triển khai, thì UBTVQH hoàn toàn có thể đưa ra báo cáo với QH, để xem xét giải pháp xử lý, thậm chí kiến nghị QH lấy phiếu tín nhiệm với bộ trưởng, trưởng ngành chậm thực hiện.

Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Phương Thủy ghi