Đừng chống dịch bằng “lệ làng”!

- Thứ Tư, 19/01/2022, 05:54 - Chia sẻ
Những ngày giáp Tết, làn sóng về quê của người lao động làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các địa phương đều có lý do chính đáng để lo ngại, nếu kiểm soát không tốt, dịch bệnh sẽ bùng phát tại địa bàn. Dù vậy, các địa phương không được phép đặt ra những quy định, điều kiện trái với chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh của Chính phủ.

Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhưng thực tế các địa phương đặt ra các quy định rất khác nhau đối với người dân về quê ăn Tết. Các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Yên, Cà Mau, Bạc Liêu... không đặt thêm điều kiện đối với người dân về quê ăn Tết, không yêu cầu xét nghiệm mà chỉ cần người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định chung.

Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác lại đặt ra những quy định riêng đối với người dân về quê ăn Tết. Ví dụ, có địa phương yêu cầu những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 từ vùng đỏ và vùng cam khi về đến tỉnh xét nghiệm ít nhất 3 lần bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên, thứ ba và ngày thứ bảy. Tổng thời gian cách ly và theo dõi lên đến 21 ngày. Những quy định tại công văn này không đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế về việc không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Một số địa phương thậm chí đưa ra những quy định, biện pháp trái với quy định chung của Chính phủ như khóa cổng các hộ gia đình có người về từ vùng cam và vùng đỏ mà theo giải thích của lãnh đạo xã là “thực hiện linh hoạt, nhằm hạn chế nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng”. Dù được lý giải là có sự đồng thuận của người dân nhưng biện pháp này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc đưa ra những quy định cứng nhắc, máy móc, thiếu nhân văn dù với lý do gì cũng không thể chấp nhận được.

Trong truyền thống văn hóa và tâm thức của người Việt, Tết là dịp để đoàn viên, sum họp gia đình, để những người đi xa trở về nhà. Không ít người đi làm xa, học xa cả năm mới có thể thu xếp về quê vào dịp Tết. Về quê vừa là quyền vừa là nhu cầu tinh thần chính đáng của mỗi người dân có quê hương, nguồn cội. Những người về quê hẳn cũng lo cho sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình và họ có trách nhiệm đầu tiên, trước hết để bảo vệ những người thân trong gia đình.

Các địa phương có thể đưa ra những quy định để cụ thể hóa Nghị quyết 128 của Chính phủ theo tình hình thực tế nhưng sự cụ thể hóa ấy không được cao hơn, không thể trái và không được khác với Nghị quyết. Phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nhưng không phải là lý do để đặt ra những điều kiện cứng nhắc, gây khó khăn cho người dân trong việc về quê ăn Tết. Việc chỉ định xét nghiệm nhiều lần, yêu cầu cách ly dài ngày mang hơi hướng tùy tiện của “lệ làng”, không chỉ trái với phép nước mà còn không phù hợp với đạo lý nhân văn của dân tộc.

Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 128 và các tỉnh, thành cần có cơ chế để kiểm soát các huyện, xã trong việc đặt ra các quy định đối với người dân về quê ăn Tết. Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó pháp luật được thượng tôn, xã hội được quản lý bằng pháp luật. Nếu mỗi địa phương tùy ý đặt ra “lệ làng” trái với “phép nước” thì pháp luật mất tính nghiêm minh, hiệu lực và hiệu quả.

Do đó, nếu phát hiện các địa phương làm sai, làm trái quy định của Chính phủ thì phải nhắc nhở, khiển trách, thậm chí xử lý để làm gương cho các địa phương khác. Có như thế, quy định của Chính phủ mới thông suốt từ trên xuống dưới và thống nhất trong khắp cả nước. Nghị quyết 128 cho phép các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng các giải pháp phòng, chống dịch nhưng sự linh hoạt, sáng tạo ấy phải phù hợp với tinh thần chung và quan trọng nhất phải thuận cho dân, thuận lòng dân.

TS. Vũ Thanh Vân