Đúng chức năng, rõ nhiệm vụ và lấy người học làm trung tâm

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 19:12 - Chia sẻ
Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tại Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 9.9.2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thông tin về Dự thảo Thông tư, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) Vũ Xuân Hùng cho biết, Dự thảo lần này có 3 điểm thay đổi so với Dự thảo trước đó. Cụ thể, về quyền lợi của người học, Dự thảo trước có nêu, người học có giấy chứng nhận hoàn thành kiến thức văn hóa THPH thì được bảo lưu để học tiếp lên các chương trình tiếp theo nhưng lần này, nội dung này lại không còn nữa mà chỉ ghi chung chung theo quy định Luật Giáo dục 2019, cụ thể: Người có giấy chứng nhận hoàn thành kiến thức văn hóa THPH thì được học liên thông lên trình độ cao đẳng và được sử dụng trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điểm khác biệt thứ hai là các nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT chia theo các môn thì được chia theo các nhóm ngành. Vấn đề này có khác so với Dự thảo lần 1 nhưng lại không khác gì so với quy định ở Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT – một thông tư có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế và đã được Bộ GD và ĐT hủy bỏ hiệu lực vào ngày ngày 9.2.2019 theo QĐ số 519/QĐ-BGDĐT. Điểm khác biệt thứ ba và cũng là điểm mới liên quan đến trách nhiệm của Sở GD và ĐT, đó là Sở GD và ĐT có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đào tạo của các trường. Tuy nhiên, trong toàn bộ Dự thảo lần này lại không có mục nào đặt ra vấn đề quy trình, thủ tục, hồ sơ mà cơ sở GDNN phải gửi cho Sở GD và ĐT để phê duyệt kế hoạch giảng dạy. Đây là vấn đề sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở GDNN.

Góp ý vào Dự thảo Thông tư, đại diện các cơ sở GDNN cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Theo đó, các ý kiến kiến nghị, học sinh học hệ 9+, đã có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học bổ sung các môn học còn thiếu của chương trình giáo dục phổ thông hệ giáo dục thường xuyên (tức là sẽ học 7 môn thay vì chỉ 4 môn văn hóa). Điều này sẽ tạo điều kiện cho các em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và dễ dàng liên thông lên các bậc học khác, cao hơn. Mặt khác, giúp người học có đủ điều kiện dự tuyển (có bằng tốt nghiệp PHTH) vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, nếu việc liên thông chỉ giới hạn trong GDNN, người học chỉ dừng lại ở cao đẳng và chững lại ở đó, bế tắc, không được phát triển nữa thì đó là một bất cập, đi ngược lại với các chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng, Nhà nước, tước đi quyền học tập suốt đời của người dân.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định cho phép các trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện và đã dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT rồi thì được quyền tổ chức giảng dạy, bổ sung các môn học còn thiếu cho người học để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thái Bình