Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh:

Đừng để bức xúc của cử tri kéo dài

- Thứ Ba, 12/05/2020, 11:29 - Chia sẻ
Bộ Công thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực trọng yếu, nhưng, đụng đến ngành nào, lĩnh vực nào cũng thấy nổi lên nhiều bức xúc. Nếu cứ ì trệ mãi, cơ hội phát triển của đất nước sẽ bị bỏ lỡ, cử tri sẽ thất vọng. Vì thế, theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình NGUYỄN TIẾN SINH, cử tri và nhân dân kỳ vọng, Bộ trưởng Công thương mới phải là Bộ trưởng của hành động và trách nhiệm. Và việc đầu tiên, Bộ trưởng mới nên làm là, rà soát lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của ngành xem vướng ở đâu và gỡ vướng như thế nào.

Không chọn được lĩnh vực để đột phá thì hơi… buồn

- Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của QH, năm 2007, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến cho ngành công thương. Đã gần 10 năm trôi qua, theo ông, Bộ trưởng đã đáp ứng được kỳ vọng ấy chưa?

- Theo đánh giá của tôi, có 2 việc mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã làm khá tốt. Một là, tham mưu cho Chính phủ và trình QH sửa đổi, ban hành mới nhiều luật để quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ. Hai là, vai trò lớn của Bộ Công thương, trực tiếp là Bộ trưởng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác thương mại khu vực và quốc tế, đàm phán gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại tự do kiểu mới. Tuy nhiên, nói cho thật sòng phẳng thì bây giờ, đụng đến ngành nào, lĩnh vực nào do Bộ Công thương quản lý cũng thấy còn nhiều tồn tại. Từ điện, xăng dầu, quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái… lĩnh vực nào cũng thấy nổi lên những vấn đề gây bức xúc cho cử tri.

- Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mà ngành nào, lĩnh vực nào cũng rộng, cũng phức tạp. Vậy nên, việc giải quyết các bức xúc, yếu kém của Bộ Công thương cũng không đơn giản, thưa ông?

- Đồng ý là như vậy nhưng tư lệnh ngành phải sâu sát hơn nữa đối với những việc hết sức cụ thể thuộc về trách nhiệm quản lý của mình không nên để những bức xúc của cử tri kéo dài mãi. Hạn chế, yếu kém của ngành công thương, ĐBQH đã chất vấn nhiều lần rồi và cũng “hiến kế” cho Bộ trưởng nhiều rồi nhưng đến nay, nhiều việc chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ví dụ câu chuyện cơ chế quản lý giá xăng dầu chẳng hạn. Hay quy hoạch thủy điện, công nghiệp phụ trợ… Bao nhiêu năm qua, giờ vẫn chưa có gì đột phá.

- Ông vừa nhắc đến hoạt động chất vấn của QH. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có tần suất xuất hiện tại “ghế nóng” của QH khá nhiều…

- Nhưng lần nào Bộ trưởng cũng giữ phong thái đều đều vậy thôi. Ít khi đi thẳng vào vấn đề. Mà cũng không chịu nói rõ trách nhiệm của mình trong những vấn đề mà ĐBQH chất vấn đâu. Đặc biệt là, sau chất vấn, tôi chưa thấy quyết tâm của Bộ trưởng. Trả lời chất vấn của QH xong là như trả xong bài thi rồi. Không riêng gì Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một số Bộ trưởng khác cũng có cái tâm lý đấy, trả lời chất vấn xong là yên tâm. Người ta phải trả lời bằng tất cả trách nhiệm và cảm xúc của mình, sau đó về phải trăn trở, thao thức đến mất ăn mất ngủ với nội dung chất vấn của ĐBQH để từ đó đi tìm bằng được câu trả lời thỏa đáng thì mới tạo được đột phá cho ngành, lĩnh vực mình quản lý được. Tất nhiên, cũng sẽ có ý kiến nói rằng, có những bộ chủ yếu là xây dựng pháp luật nên không chọn được lĩnh vực để đột phá. Ai có tư tưởng như thế, tôi nói thật là hơi buồn đấy.


Phải phân cấp, phân quyền mạch lạc

- Với đại biểu là “hơi buồn” nhưng với đất nước thì, sự chậm trễ hoặc chưa tròn trách nhiệm của tư lệnh ngành có thể sẽ phải trả bằng những cơ hội phát triển bị bỏ lỡ. Với các lĩnh vực trọng yếu mà Bộ Công thương đang quản thì hệ lụy sẽ còn lớn hơn, thưa ông?

- Tôi không muốn nói nặng nề. Nhưng cử tri thì nói họ cảm thấy thất vọng. 5 năm, không tạo được chuyển biến gì thì cũng có thể hiểu là ngành ấy, lĩnh vực ấy đang bị thụt lùi. Nếu chúng ta giải quyết được thì thúc đẩy ngành, lĩnh vực phát triển, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển còn cứ để ì trệ như thế thì đương nhiên là trách nhiệm của tư lệnh ngành chứ là gì nữa? Dù muốn hay không thì đó cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng.

- Còn ông, ông kỳ vọng gì đối với tư lệnh mới của ngành công thương?

- Tôi cũng có chung kỳ vọng với cử tri, không riêng tư lệnh ngành công thương mà tất cả các tư lệnh ngành đều phải là Bộ trưởng của hành động và có trách nhiệm với hành động của mình.

- Vậy theo ông, Bộ trưởng Bộ Công thương mới cần làm gì đầu tiên?

- Theo tôi, Bộ trưởng mới cần rà soát lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của ngành. Câu chuyện vi hành, xử lý vướng mắc cụ thể trong ngành, lĩnh vực mình quản lý là quan trọng nhưng phải rà soát xem cơ chế, chức năng, nhiệm vụ của ngành đang vướng ở đâu. Tại sao cái gì giải trình cũng đúng cả mà thực tế lại không chuyển được? Ví dụ, câu chuyện rất đau lòng về công ty Liên Kết Việt lừa đảo hàng chục nghìn người. Tại sao không giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh đa cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh mà cứ phải ông Bộ trưởng làm gì? Cấp phép là để quản lý chứ không phải cấp phép là bán giấy phép hay cấp xong là xong, còn việc quản lý đã có ông khác lo. Nếu như thế thì không phải. Tôi nghĩ, ai làm Bộ trưởng cũng nên xử lý vấn đề này đầu tiên. Phải tổ chức lại bộ máy thuộc thẩm quyền cho phù hợp. Chúng ta gọi Bộ trưởng là tư lệnh thì phải cho Bộ trưởng thẩm quyền được thiết lập lại bộ máy, thậm chí cả về nhân sự cán bộ. Nếu không có một bộ máy làm việc tốt thì một ông Bộ trưởng chứ đến 10 ông cũng rất khó. Phải phân cấp, phân quyền mạch lạc thì trách nhiệm mới rõ, hiệu quả quản lý mới cao được.

- Xin cảm ơn ông!

 Giải trình, chất vấn thì ai cũng bảo làm đúng hết chức năng, nhiệm vụ rồi mà thực tế vẫn trì trệ, không chuyển biến được. Ô hay! Khi thấy ngành, lĩnh vực mình quản lý không chuyển biến thì phải đặt câu hỏi: tại sao không chuyển biến? Mình đã làm hết trách nhiệm chưa rồi tìm cách mà xử lý chứ? Vướng ở cơ chế thì phải đề xuất cơ chế. Vướng ở con người thì phải đề xuất con người chứ? Tư lệnh ngành mà cứ nói đã làm hết trách nhiệm rồi thì đất nước sẽ còn khó khăn, nhân dân sẽ còn vất vả. Chúng ta chưa có cơ chế từ chức. Nhưng tôi nghĩ, từ chức, từ nhiệm cũng là việc thể hiện trách nhiệm đối với đất nước, không phải cứ cố làm mới là có trách nhiệm đâu. Cố làm đôi khi lại dở.

__________________

Không phải đồng chí nào ngồi ở vị trí tư lệnh ngành cũng vẫn như vậy đâu. Cũng là cơ chế đó nhưng có những bộ tạo được đột phá, có những bộ thì cứ bình bình vậy thôi. Khen thì không biết khen cái gì mà chê thì cũng không biết chê cái gì vì có những cái đã tồn tại lâu rồi, nói mãi rồi. QH và Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để các bộ trưởng phát huy được tốt nhất năng lực cá nhân của mình. Nhưng vai trò cá nhân là hết sức quan trọng. Cử tri, nhân dân kỳ vọng, bộ trưởng mới phải là bộ trưởng của hành động, bộ trưởng của trách nhiệm. Nếu cứ tình trạng “việc gì xảy ra thì do khách quan còn tôi đã nỗ lực, cố gắng”, tức là trách nhiệm không cao, mọi việc sẽ cứ đều đều trôi qua. Bộ trưởng nào mà cứ điệp khúc “tôi đã cố gắng hết sức mình” - thì gay lắm.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh

Nguyễn Bình thực hiện