Miễn giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đúng đối tượng, tránh đại trà

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:27 - Chia sẻ
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 16.8, Chính phủ đã có một số điều chỉnh nhằm hỗ trợ đúng đối tượng gặp khó khăn và tránh miễn giảm đại trà.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, ngày 16.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về dự án Nghị quyết và nêu một số ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng đại trà mà cần nhắm vào đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch, xem xét cả với doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng. Cùng với đó, nghiên cứu tăng thêm hỗ trợ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Phương án giảm thuế giá trị gia tăng cần bảo đảm đúng mục tiêu hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn. Giải pháp miễn tiền chậm nộp chỉ áp dụng với doanh nghiệp, tổ chức bị lỗ trong năm chịu ảnh hưởng của dịch.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh các giải pháp hỗ trợ và được thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết mới nhất.

8.800 tỷ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh

Theo đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng, như đã thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, bổ sung điều kiện “tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020” để bảo đảm đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tiêu chí này không áp dụng với người nộp thuế mới thành lập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, giải thể, phá sản... trong kỳ tính thuế năm 2021 do không có cơ sở để so sánh. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo đề xuất này khoảng 2.200 tỷ đồng, giảm 3.800 tỷ đồng so với phương án trước đó.  

Đặc biệt, tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 6 tháng cuối năm 2021 cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn. Với phương án này, ngân sách giảm thu khoảng 8.800 tỷ đồng, tăng 4.400 tỷ đồng so với đề xuất giảm 50% như ban đầu.

Về giảm thuế giá trị gia tăng, qua rà soát, Chính phủ đề xuất loại bỏ “hoạt động xuất bản theo hình thức trực tuyến” do ngành này vẫn tăng trưởng tích cực; đồng thời chỉnh sửa lại thời điểm áp dụng từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 31.12.2021 để bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế. Dự kiến số giảm thu ngân sách theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng, giảm 1.600 tỷ đồng so với đề xuất trước đó.

Về miễn tiền chậm nộp, Chính phủ chỉnh sửa theo hướng miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức bị lỗ năm 2020, thay vì lỗ trong 3 năm 2018 - 2020 như ban đầu. Phương án này làm giảm thu ngân sách khoảng 5.300 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất.

Ngân sách dự kiến giảm thu 21,3 nghìn tỷ đồng

Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 nghìn tỷ đồng so với phương án ban đầu.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và nhu cầu chi bức thiết để vừa chống dịch, vừa duy trì và phục hồi kinh tế thì tăng chi, tăng thâm hụt ngân sách là không thể tránh khỏi với hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ. Vấn đề là chi tiêu ngân sách cho hiệu quả và hợp lý, thể hiện ở việc hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn và tránh miễn giảm thuế, phí đại trà cho bất cứ đối tượng nào.

Theo đó, Chính phủ nên tăng chi cho những đối tượng cần hỗ trợ, các đối tượng dễ bị tổn thương, chẳng hạn hộ kinh doanh. Thực tế, dịch bệnh xuất hiện ở đâu, hộ kinh doanh (cùng với khu vực kinh tế phi chính thức) là nhóm trước tiên phải dừng công việc của họ. Tuy vậy, tổn thất của khu vực này chưa được nêu đầy đủ trong các báo cáo thống kê và chính sách hỗ trợ thời gian qua và chưa thực sự “chạm” đến đối tượng này.

Cũng theo các chuyên gia, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng trong một số lĩnh vực dịch vụ là hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không miễn, giảm thuế đại trà và nhiều nước đã thực hiện. Trong khi đó, giải pháp miễn tiền phạt chậm nộp thuế sẽ giúp tăng thêm thanh khoản cho nền kinh tế, khi các đối tượng thụ hưởng chính sách có thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp thiết khác trong sản xuất kinh doanh.

Hà Lan