Theo dòng sự kiện:

Đừng lãng phí cơ hội, tiền bạc của nhân dân

- Thứ Năm, 05/11/2020, 06:21 - Chia sẻ
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo trong thời gian qua, tiếp tục là chủ đề được nhiều đại biểu nêu ra qua 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Có lẽ không cần phân tích thêm, ai cũng đồng thuận rằng, trong giai đoạn hiện nay, vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất cương quyết để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn này. Đặc biệt, như nhận định của ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), với việc Luật Đầu tư công mới được ban hành và Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 được giao kế hoạch đầu tư công theo tổng mức vốn đã góp phần giảm nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo sự chủ động cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, “đến hẹn lại lên”, chậm giải ngân vốn đầu tư công dường như đã trở thành căn bệnh kinh niên, mà theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), thì đã trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Vấn đề ở đây là tại sao “biết rồi…” mà năm nào cũng chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải liên tục đôn đốc quyết liệt, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương? Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm hay chủ yếu chỉ ra hầu hết nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít? Đặt ra những câu hỏi căn cốt như vậy, ĐB Nguyễn Tuấn Anh liên hệ tới điều Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng chỉ ra: "sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết, ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút, mà kinh nghiệm vẫn còn".

Điển hình cho sự chậm trễ được nhiều đại biểu dẫn ra, đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án được khởi công cách đây gần 10 năm và đã chậm tiến độ 4 năm (từ năm 2016 đến nay). Qua nghiên cứu Báo cáo (số 300 ngày 21.10.2020 của UBND TP Hà Nội gửi Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận thấy, vướng mắc chính là ở công tác nghiệm thu, khắc phục một số khiếm khuyết của thiết bị và phía tổng thầu chưa nhận được kinh phí theo hợp đồng, chưa đưa được các chuyên gia sang vì dịch bệnh… Chia sẻ đây là những khó khăn có thật, tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Anh Trí, “nếu quyết tâm, khôn khéo tháo gỡ thì vẫn có thể tháo gỡ được”.

Nhận rõ sự chậm trễ này, mới đây, (chiều 28.10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án, bàn cách giải quyết vấn đề. Và tại cuộc họp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cam kết phấn đấu để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội XIII của Đảng. Chỉ rõ “cả nước lại thêm một lần hy vọng nữa”, ĐB Nguyễn Anh Trí mong “các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải không phải chỉ bằng lời hứa nữa mà cần lăn xả vào làm cho xong một dự án quan trọng này, để con đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh - Hà Đông sớm đưa vào vận hành phục vụ nhân dân, xóa bỏ hình ảnh một con đường bê tông sừng sững treo lơ lửng trên đầu người dân Thủ đô bấy lâu nay”. ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì đề nghị “Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ chín, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận. Việc khó nhưng thống nhất quyết tâm cao như chống Covid, tôi tin là sẽ thành công”.

Đáng chú ý, những dự án chậm tiến độ như dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông không phải cá biệt. Nhìn rộng ra cả nước, các đại biểu bày tỏ sự lo lắng trước nhiều dự án khác cũng trong tình trạng dang dở, chậm tiến độ. Không tìm đâu xa, ngay trong video clip báo cáo kết quả giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” (trình chiếu trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 3.11), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đang có 10 dự án điện chậm tiến độ rất cần được thúc đẩy để sớm đưa vào hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là: Chỉ riêng ngành điện đã có 10 dự án chậm tiến độ, vậy còn những dự án về thép, xi măng, hồ, đập, giao thông… đang dang dở, đang chậm tiến độ nữa thì sao? “Cử tri đề nghị ai không làm được thì nên thay; ai làm sai thì nên kiểm điểm; ai tham ô, tham nhũng thì phải bị xử lý thật nghiêm khắc… Cần thấy rằng, bất cứ ai ở cương vị nào mà không quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, để dự án chậm trễ, tức là gây lãng phí về tiền bạc, thời gian và cơ hội, mà lãng phí cũng là có tội, đó phải là tội rất nặng”, ĐB Nguyễn Anh Trí thẳng thắn.

Dự án kết thúc sớm ngày nào, Nhà nước và Nhân dân đỡ mất chi phí trực tiếp và gián tiếp từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng hơn, không còn ì ạch như hiện tại, Nhân dân sẽ có lợi hơn, đất nước phát triển nhanh hơn. Với quan điểm như vậy, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tích cực tháo gỡ cho được những vướng mắc cụ thể về cơ chế, vốn của từng dự án để các dự án đó được triển khai, hoàn thành đúng tiến  độ…

“Xin đừng để lãng phí thời gian, cơ hội và tiền bạc của nhân dân, của đất nước”, ĐB Nguyễn Anh Trí tha thiết. Trực diện hơn, ĐB Nguyễn Tuấn Anh đề nghị “đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm…”.

Lam Giang