Đúng nơi, đúng chỗ, đủ điều kiện

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:31 - Chia sẻ
Từ hôm nay (16.8), chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng (home-based care) - với mô hình "3 tại chỗ" là xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ - sẽ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh. Với 80% ca mắc không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, việc điều trị F0 tại nhà có kiểm soát sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.

Được biết, để bảo đảm việc triển khai chương trình home-based care an toàn, hiệu quả, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế đã thống nhất triển khai đánh giá tại cơ sở y tế trong thời gian từ 16 - 22.8 trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng. Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu tại cơ sở y tế, Bộ Y tế giao cho Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y tế công cộng trực tiếp triển khai chương trình thí điểm tại cộng đồng. Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét để tiếp tục triển khai mở rộng áp dụng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân tại các địa phương khác đang có dịch.

Chương trình điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh từ 16.8 Nguồn: ITN
Chương trình điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh từ 16.8
Nguồn: ITN

Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà từ giữa tháng 7 đến nay. Song, điểm khác biệt là mô hình home-based care lần này sẽ mở rộng thí điểm với cả bệnh nhân F0 có triệu chứng. Theo đó, chương trình thí điểm sẽ triển khai 3 hoạt động chính là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe cho bệnh nhân; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Thực tế, để có thể đủ thuốc sử dụng trong chương trình là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus, Bộ Y tế đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dược phẩm tiếp xúc, đàm phán với các đối tác có bản quyền để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này; đồng thời, đề nghị các hãng dược phẩm khác khẩn trương nộp hồ sơ về Bộ Y tế xem xét, cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp.

Tuy nhiên, để mỗi gia đình thực sự trở thành một phòng y tế, cùng với việc xây dựng hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, cách ly y tế cho bệnh nhân thì việc bảo đảm không lây nhiễm chéo cho người trong gia đình và cộng đồng, khi thực hiện điều trị F0 tại nhà cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là việc sử dụng thuốc tại gia đình như thế nào để đạt hiệu quả điều trị.

Mặc dù việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được kiểm soát chặt chẽ, được ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế; F0 được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng Nhật ký bệnh nhân điện tử (qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý), song không ít ý kiến cho rằng, việc tăng cường tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như zoom, zalo, viber… cũng là giải pháp cần thiết.

Đơn cử như thời gian qua, tại phường 1, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, khi số lượng bệnh nhân tăng cao, mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà đã được triển khai. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở phường 1 đã thực hiện chương trình "100 túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19" và trên mỗi túi thuốc còn được thiết kế kèm mã QR, để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia vào nhóm trên ứng dụng Zalo "Bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1". Điều này góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị và tạo tâm lý thoải mái giúp F0 mau hồi phục sức khỏe. 

Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, sẽ xử lý ra sao, cũng là điều cần tính tới. Với TP. Hồ Chí Minh, trên 300 tổ phản ứng nhanh đã được lập tại 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức nhằm kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm bác sĩ, điều dưỡng thuộc trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, công an, đoàn thanh niên… Khi nhận cuộc gọi báo tình trạng F0, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi như khó thở, tím tái, lơ mơ... để quyết định đưa xe vận chuyển tới nhà người dân. 

Suy cho cùng, để mô hình này đạt hiệu quả phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ và quan trọng nhất là đánh giá đúng khả năng đáp ứng của ngành y tế tại địa phương. 

Đỗ Quyên