Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ sức khỏe

Dùng virus sởi điều trị ung thư buồng trứng

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:02 - Chia sẻ
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp virus tiêu hủy u" (Đề tài) thuộc chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) trọng điểm cấp Nhà nước (KC.10/16-20) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Chuột thí nghiệm được nuôi trong lồng có lỗ cấp và thoát khí qua màng lọc HEPA

Phương pháp phổ biến trên thế giới

Theo Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Thành Chung, ung thư buồng trứng là nguyên nhân đứng thứ tám gây tử vong cho phụ nữ và đứng thứ 7 trong các loại ung thư phổ biến của nữ giới. Với phương pháp trị liệu phổ biến hiện nay là phẫu thuật và hóa trị liệu, tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ chiếm 44%. Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành một số phương pháp khác như liệu pháp ly giải tế bào ung thư bằng virus qua đường phúc mạc.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine sởi. Nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu tác dụng phối hợp vaccine sởi và vaccine quai bị để điều trị trên 10 dòng ung thư máu khác nhau ở người. Kết quả cho thấy phối hợp 2 vaccine hoặc dùng đơn lẻ đều có tác dụng kháng ung thư máu rõ rệt. Đây là những cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu tiền lâm sàng điều trị ung thư trên người.

Trên cơ sở đó, Học viện Quân y đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai đề tài “Nghiên cứu điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp virus tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy nhằm mục tiêu xây dựng được quy trình tạo chế phẩm chứa virus sởi giảm độc lực sử dụng trong điều trị ung thư. Đồng thời đánh giá được tính an toàn và tác dụng kháng tế bào ung thư buồng trứng của chế phẩm trên thực nghiệm; Đánh giá kết quả liệu pháp virus tiêu hủy u trong điều trị ung thư buồng trứng (UTBT).

Mở ra hướng điều trị mới

Cũng theo TS. Đặng Thành Chung, nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng gồm 50 chuột nhắt trắng BALB/c khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn thí nghiệm; 16 con khỉ khỏe mạnh, thuộc giống khỉ vàng Macaca mulatta, có xét nghiệm âm tính với kháng thể IgG kháng virus sởi. Chuột nhắt BALB/c thiếu hụt miễn dịch, đủ tiêu chuẩn thí nghiệm. Mẫu bệnh phẩm gồm 50 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện K và Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán ung thư biểu mô typ thanh dịch, trong thời gian gần 4 tháng.

Nhóm đã sử dụng rất nhiều phương pháp nghiên cứu như sản xuất các loại dung dịch, môi trường sử dụng cho sản xuất và kiểm định; sản xuất virus sởi giảm độc lực bán thành phẩm; tinh chế, cô đặc virus sởi giảm độc lực bán thành phẩm; các phương pháp kiểm định chất lượng; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng virus sởi thành phẩm dùng điều trị UTBT; phương pháp đánh giá tính an toàn của virus sởi trên chuột; phương pháp đánh giá tính an toàn của virus sởi trên khỉ; phương pháp nuôi cấy các dòng tế bào; kỹ thuật tạo khối ung thư trên chuột thiếu hụt miễn dịch; kỹ thuật nuôi cấy và tăng sinh tế bào UTBT phân lập từ mô UTBT của bệnh nhân; phương pháp đánh giá đáp ứng điều trị trên chuột mang khối UTBT; phương pháp Realtime RT-PCR; quy trình phân lập tế bào UTBT từ khối u thứ phát; quy trình cấy chuyển tế bào ung thư lên chuột thiếu hụt miễn dịch; quy trình nhuộm hóa mô miễn dịch;…

Thành viên của nhóm nghiên cứu Ngô Thu Hằng cho biết, nhóm đã đánh giá tính an toàn của virus vaccine sởi giảm độc lực (MeV) trên chuột và khỉ. Kết quả nghiên cứu khẳng định virus vaccine giảm độc lực tiêm với các liều 10^5, 10^6,10^7 TCID50 là an toàn trên chuột và khỉ. Về tác dụng kháng tế bào UTBT của chế phẩm MeV trên thực nghiệm, nghiên cứu đã cho thấy khả năng li giải tế bào ung thư biểu mô buồng trứng - OVCAR3 của virus vaccine sởi in vitro và tác dụng kháng ung thư buồng trứng trên chuột thiếu hụt miễn dịch (làm chậm quá trình phát triển khối u, tăng thời gian sống, tăng tỷ lệ sống tích lũy ở các nhóm điều trị). Sử dụng liệu pháp virus tiêu hủy u trên tế bào ung thư buồng trứng phân lập từ bệnh nhân cho thấy tác dụng làm tăng tỷ lệ tế bào chết theo chương trình và tăng biểu hiện một số gen liên quan đến quá trình tế bào chết theo chương trình và bệnh sinh ung thư như các gen Caspase 3, Caspase 9 và STAT3. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định khả năng ức chế sự phát triển khối u khi sử dụng MeV trên mô hình chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối UTBT người. Trong 21 ngày theo dõi điều trị, thể tích trung bình khối u ở nhóm đối chứng tăng dần sau khi ghép tế bào ung thư vào chuột, trong khi ở các nhóm điều trị thể tích khối u giảm dần. Ở các thời điểm của nghiên cứu, thể tích khối u trên chuột của nhóm đối chứng lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với thể tích khối u ở các nhóm điều trị đơn MeV (p < 0,05). Qua theo dõi, nhóm nhận thấy thời gian sống trung bình của chuột thí nghiệm ở các nhóm điều trị dài hơn so với nhóm chứng. MeV có khả năng hoạt hóa miễn dịch làm tăng sự huy động tế bào tua (DC), tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), tế bào bạch cầu đơn nhân (M) trong lách và khối u chuột.

Nhóm nghiên cứu đã thiết lập được quy trình tạo chế phẩm chứa virus sởi giảm độc lực, đạt tiêu chuẩn cơ sở, an toàn trên động vật thực nghiệm và có tác dụng kháng tế bào UTBT ở người. Đây là cơ sở khoa học cho áp dụng liệu pháp virus tiêu hủy u trên bệnh nhân điều trị UTBT, giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí, an toàn với sức khỏe người bệnh.

Theo các chuyên gia, đề tài có tính khoa học và thực tiễn rất cao, đã tạo ra sản phẩm điều trị bệnh ung thư với kỹ thuật mới, mở ra hướng điều trị mới, có ý nghĩa thiết thực, giảm chi phí nếu như đi nước ngoài điều trị cho bệnh nhân, tiết kiệm cho xã hội và đóng góp hiệu quả vào triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung.                                                                

Hạnh Nguyên