Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII

Dứt điểm bồi thường, tái định cư thủy điện Hủa Na

- Thứ Hai, 20/12/2021, 06:12 - Chia sẻ
Những tồn tại, vướng mắc kéo dài trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án thủy điện Hủa Na là nội dung tiếp tục làm "nóng" phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII mới đây. Nhấn mạnh người dân hết sức thiệt thòi trong gần một thập kỷ nhường đất phục vụ dự án, nhiều đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cùng các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm.

Chưa tìm được tiếng nói chung 

Dự án thủy điện Hủa Na có công suất 180MW, với mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm nhường đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án, đến nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư… Dẫn thực tế này, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan để ổn định đời sống người dân.

	Đại biểu Hoàng Mạnh Hà thảo luận tại Hội trường Ảnh: Hải Phong
Đại biểu Hoàng Mạnh Hà thảo luận tại Hội trường
Ảnh: Hải Phong

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa cho biết: Ngày 27.1.2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là phương án tính bồi thường đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi, nơi đến để có cơ sở chi trả cho người dân và việc giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho người dân tái định cư… Cũng theo ông Hóa, ngày 2.7.2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) đã có văn bản về việc xử lý chênh lệch giá đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến Dự án Tái định cư thủy điện Hủa Na. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 4850 ngày 14.7.2021, giao Sở TN - MT tỉnh, UBND huyện Quế Phong triển khai thực hiện. Song, Công ty CP Thủy điện Hủa Na và huyện Quế Phong chưa thống nhất được phương án đối trừ để triển khai thực hiện. Đến ngày 15.10 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc. Hiện, huyện Quế Phong đang tích cực thực hiện.

Về việc giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng, theo Giám đốc Sở Công thương, hiện đã hoàn thành bàn giao 570 giấy chứng nhận giao rừng tại thực địa tương ứng với hồ sơ giao đất tái định cư được. Trong đó, có 560 hộ định cư và 10 hộ sở tại. Đối với 318 hộ dân tái định cư, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục kiểm tra, thẩm định và chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ…

“Về giao đất lâm nghiệp, hiện đã giao đất cho người dân tại các điểm tái định cư ngoài thực địa. Tuy nhiên, phải thu hồi lại theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đối với 67,39ha rừng tự nhiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; còn với 184,5ha, UBND tỉnh đang chỉ đạo xem xét điều chỉnh ra khỏi đất lâm nghiệp đối với diện tích đất không còn rừng tự nhiên và điều chỉnh bổ sung vào cơ cấu 3 loại rừng”, ông Hóa cho biết.

Làm rõ thêm nội dung này, Giám đốc Sở TN - MT Hoàng Quốc Việt cho biết: Năm 2020, UBND tỉnh đã báo cáo gửi Chính phủ và Chính phủ giao cho Bộ TN - MT, Bộ NN - PTNT tham mưu, hướng dẫn cho tỉnh. Tuy nhiên, do luật quy định không rõ nên các văn bản hướng dẫn cũng không rõ... “Hiện, đang có 2 quan điểm: Về phía huyện Quế Phong, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường GPMB là khấu trừ từng loại đất; còn Công ty Thủy điện Hủa Na là khấu trừ tổng nơi đi, nơi đến”, ông Việt thông tin. Đồng thời, khẳng định lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm vấn đề này. Hiện, Sở đã báo cáo 2 phương án cho UBND tỉnh, một là đi học tập kinh nghiệm giải quyết tại các tỉnh có nhà máy thủy điện; hai là tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan hướng dẫn rõ hơn nội dung này.

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện 

Tại kỳ họp, các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất. Theo Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân, công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế, như: Một số văn bản quy phạm pháp luật trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh chưa đúng thời gian; chất lượng tham mưu chưa đạt, còn phải chỉnh sửa nhiều lần; một bộ phận cơ quan quản lý Nhà nước chưa quan tâm đến việc lấy ý kiến tác động khi tham mưu ban hành dự thảo nghị quyết, dẫn đến tình trạng mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung... 

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thành Chung đề nghị, cần sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách của tỉnh liên quan đến nội dung CCHC được ban hành tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện các dịch vụ hành chính công; tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tiếp thu các ý kiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chọn 2022 là năm chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến thủ tục cho doanh nghiệp, người dân, các dịch vụ công… “UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện CCHC theo phương châm: Nhanh - đúng - hiệu quả; giảm giải thích, giải trình, tăng giải pháp, giải quyết. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu các ngành xử lý triệt để những vấn đề cử tri, Nhân dân kiến nghị, những nội dung HĐND tỉnh chỉ ra qua các cuộc giám sát”, ông Trung nhấn mạnh.

Diệp Anh