"Đứt gãy kinh tế" - nhìn từ Hải Dương

- Thứ Tư, 24/02/2021, 19:02 - Chia sẻ
Hải Dương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiển nhiên việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân cũng như việc sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Như chia sẻ với báo chí của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Văn Quân thì hiện tỉnh có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, chưa kể 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch; 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ông Quân cho biết thêm, nếu theo kế hoạch thì từ nay đến cuối tháng 2, 80% lượng nông sản trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng, các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay vẫn là khâu vận tải. Ví dụ như khi qua Hải Phòng, các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu phải bảo đảm các điều kiện như có hợp đồng, đơn hàng cụ thể và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có Giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất. Với lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương, theo văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP Hải Phòng, phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm...

Cũng bởi vậy mà mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Công thương, UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tạo điều kiện, cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh thêm: Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu linh kiện. Nếu các địa phương lân cận không cho xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh dù phong tỏa hay cách ly vẫn phải tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo điều kiện sản xuất. Chúng tôi mong muốn các địa phương khác hỗ trợ Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất phát triển kinh tế.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và nông sản; ưu tiên bảo đảm các phương tiện vận chuyển để lưu thông hàng hóa; tăng cường bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các địa phương để ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Với mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp, đơn vị phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch...

Khi cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; tuyệt đại đa số người dân chấp hành các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng thì những khó khăn có thể gây "đứt gãy nền kinh tế" như đang xảy ra ở Hải Dương rất cần có cơ chế, chính sách kịp thời để hàng hóa có thể lưu thông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Vì đây là những tiền đề để thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Ninh Khương