Ý Kiến

Dứt khoát phải làm

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 21:36 - Chia sẻ
Đất nước, nhân dân và cử tri đang rất chờ đợi sự hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh các kết quả đạt được thì những hạn chế trong việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chậm được khắc phục như tính dự báo, việc điều chỉnh chương trình, nhiều dự án được đề nghị bổ sung... khiến chúng tôi rất bức xúc. Tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn. Vấn đề này đã nói nhiều lần trên diễn đàn của Quốc hội, vì cũng giống như bất cứ dự án nào khác khi đã giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật thì anh phải hoàn thành, không hoàn thành lại xin rút, nhiều khi đến tận phút cuối mới xin rút. Điều này không nên để xảy ra nhiều. Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập được rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng tôi cho rằng, phải bổ sung 2 ý nữa. Một là, kỹ năng xây dựng luật, trình độ hiểu biết, nhận thức của đơn vị đề xuất xây dựng luật và Ban soạn thảo. Hai là tinh thần

Về Chương trình năm 2021 và điều chỉnh Chương trình năm 2020, tôi đồng ý nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Tôi cho là rất đúng và nguyên tắc này phải được nhấn mạnh vì đến nay, tôi tin là, toàn dân cơ bản đều thấy hầu hết ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Trung ương đều rất đúng đắn. Bây giờ triển khai các chủ trương, kết luận này trong xã hội thì luật phải cụ thể hóa, phải biến thành văn bản luật và sau đó phải tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, nguyên tắc “đặc biệt coi trọng chất lượng và không chạy theo số lượng”, tôi nghĩ đặc biệt coi trọng chất lượng thì đúng rồi nhưng có lẽ nên bỏ chữ "không chạy theo số lượng" mà cũng phải hoàn thành về số lượng. Nguyên tắc đã viết như thế này thì dễ hiểu là cốt ở chất lượng, còn số lượng thế nào cũng được cho nên cứ rút dự án này, rút dự án kia. Tôi đề nghị, phải đặc biệt coi trọng chất lượng và đồng thời phải bảo đảm về số lượng các dự án luật trong chương trình.

Về việc điều chỉnh Chương trình năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra nguyên tắc “không được làm ảnh hưởng, thay đổi chương trình Quốc hội quyết định” là rất đúng. Ví dụ, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nếu đúng thì trong Kỳ họp thứ Chín này, dự luật này phải được trình Quốc hội. Tôi biết là Ban soạn thảo và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã rất cố gắng, nỗ lực chuẩn bị dự luật này nhưng sau đó vướng vào dịch Covid-19 nên mọi việc bị chậm trễ. Điều đó phần nào tôi thông cảm. Nhưng cũng phải nói rất thật là vướng mắc của Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất lớn mà trong tờ trình này thì tôi cảm thấy rất mơ hồ. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật này nhưng nếu từ nay đến cuối năm 2020 cơ quan trình chuẩn bị kịp, bảo đảm chất lượng, được cơ quan thẩm tra thống nhất thì tôi đề nghị có thể lùi thời gian trình dự án Luật này sang chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười. Tôi đề nghị dứt khoát phải làm dự án Luật này, trong đó đề nghị phải bổ sung phần khám chữa bệnh online.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
L. Anh ghi