Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên:

“Duy trì sản xuất cũng là chống dịch!”

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:39 - Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN HỒNG DIÊN, dịch Covid-19 với các biến chủng mới đang diễn biến hết sức khó lường nhưng không có nghĩa chúng ta phải dừng mọi hoạt động kinh tế - xã hội. “Duy trì sản xuất chính là giải pháp phòng chống dịch gián tiếp, bởi giúp tạo ra nguồn lực chống dịch và giúp doanh nghiệp sớm phục hồi khi dịch được kiểm soát!”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Covid-19 là một phép thử!”

- Thưa Bộ trưởng, dịch Covid-19 tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nước ta?

- Năm 2021 khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 lại bùng phát, lây lan rất nhanh, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ - là mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp khoảng 20% GDP, giảm mạnh tới 9,2% so với cùng kỳ và giảm 4,2% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% (cùng kỳ tăng 2,2%) do các doanh nghiệp phía Bắc duy trì được sản xuất.

Hoạt động xuất nhập khẩu có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch tại các tỉnh phía Nam. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 6% so với tháng 7 và giảm 5,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng vẫn tăng trưởng cao 21,2% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại tạm thời đang thâm hụt, nhập siêu 3,7 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không duy trì được mức tăng trưởng hai con số như thời điểm trước dịch và giảm 4,7% trong 8 tháng qua.

- Ở góc độ khác, dịch bệnh cũng làm bộc lộ những hạn chế mang tính hệ thống của ngành. Theo Bộ trưởng, đó là những vấn đề nào?

- Đại dịch xảy ra là một phép thử với sức chống chịu của nền kinh tế. Trước hết, nó cho thấy điểm yếu cốt lõi của sản xuất trong nước là phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu. Các ngành sản xuất của ta tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn gia công, tạo ra giá trị gia tăng thấp nên dễ dàng bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh khác. Chúng ta cũng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, khi có biến động ngay lập tức chúng ta bị ảnh hưởng, xuất khẩu gián đoạn, hàng hóa khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất và thương mại như logistics chậm phát triển, dịch bệnh xảy ra đã khiến cho chi phí kho, bãi, vận tải… tăng cao.

Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, đồng thời đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhất định nhằm giảm thiểu rủi ro để ứng phó khủng hoảng và bảo vệ nền kinh tế.

- Không chỉ bộc lộ những hạn chế nội tại, dịch bệnh còn mang đến cho ngành nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng, đâu là vấn đề cần quan tâm?

- Hiện đã xuất hiện các thách thức mới, đặc biệt trên môi trường số. Khác với những rủi ro truyền thống, vấn đề trên môi trường số thường diễn biến với tốc độ nhanh, vượt xa sự phát triển của thể chế, chính sách hiện hành. Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới cách thức hoạch định chính sách, hoàn thiện các văn bản pháp lý về kinh tế số nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, tránh thất thoát nguồn lực, gian lận thương mại, trốn thuế...

Cũng do ảnh hưởng của dịch, một bộ phận người dân bị mất việc làm, thu nhập giảm, đời sống khó khăn. Như vậy, cần có thời gian để tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục hồi như trước đại dịch. Bên cạnh đó, hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn như giá cước vận tải, kho bãi có xu hướng tăng, tình trạng ùn tắc tại cảng biển… Nếu quá trình phục hồi của các doanh nghiệp logistics không có sự ăn khớp với quá trình thiết lập lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì cũng sẽ là nút thắt ảnh hưởng lớn tới kết quả xuất nhập khẩu.

	Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khảo sát thị trường ở khu vực phía Nam
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khảo sát thị trường ở khu vực phía Nam

Trong nguy có cơ

- Vậy còn các cơ hội thì sao, thưa Bộ trưởng?

- Trong nguy có cơ! Dịch bệnh không chỉ tạo thách thức mà còn mang đến cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng.

Đầu tiên, xu thế vận động nhanh, hình thành các xu hướng hợp tác mới là cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu lớn mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đặc biệt, Covid-19 mang lại cơ hội rất lớn cho kinh tế số, hay còn gọi là kinh tế dựa vào internet. Chúng ta chứng kiến khủng hoảng Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế. Báo cáo “Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain&Company thực hiện cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam từ quy mô 3 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2020 đạt 14 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, riêng thương mại điện tử đạt mức tăng 46% trong năm 2020 so với năm 2019.

Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến thời cơ tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới để tái cơ cấu chuỗi sản xuất sau dịch bệnh. Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu với tình hình chính trị, xã hội ổn định, tiềm năng tăng trưởng tốt, khả năng tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đã ký kết. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang trở thành trung tâm địa chiến lược mới của thế giới, trong đó Việt Nam được đánh giá có vị trí, vai trò quan trọng tại khu vực này.

- Bộ Công thương tính toán kế hoạch sống chung với Covid-19 và phục hồi kinh tế như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Dịch Covid-19 với các biến chủng mới đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta dừng mọi hoạt động kinh tế - xã hội và chỉ tập trung duy nhất cho hoạt động phòng chống dịch.

Duy trì hoạt động sản xuất cũng là giải pháp phòng chống dịch gián tiếp. Sản xuất là huyết mạch của nền kinh tế. Có duy trì sản xuất mới tạo ra nguồn lực để hỗ trợ phòng chống dịch, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Khi đó, Chính phủ sẽ giảm được gánh nặng an sinh xã hội và có điều kiện tập trung nguồn lực cho chống dịch. Đặc biệt, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, doanh nghiệp sẽ không mất nhiều thời gian, nguồn lực để quay trở lại nhịp độ bình thường khi dịch được kiểm soát. Nếu mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh dừng lại càng lâu thì tốc độ phục hồi càng chậm.

Do đó, thời gian qua, Bộ Công thương vừa chung tay cùng cả nước chống dịch, vừa đồng hành với doanh nghiệp và nỗ lực tối đa để bảo đảm duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa được thuận lợi. Song song đó, Bộ thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình mới, xây dựng các giải pháp và kịch bản tăng trưởng trong thời kỳ dịch và giai đoạn hậu Covid-19. Một kế hoạch tổng thể đánh giá cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế đi cùng với giải pháp cụ thể sẽ giúp chúng ta chủ động khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lâm Hiển thực hiện