Duy trì, tạo dựng nguồn thu bền vững

- Thứ Tư, 09/06/2021, 06:56 - Chia sẻ
Theo Tổng cục Thuế, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân nhưng thu ngân sách 5 tháng đầu năm do cơ quan thuế quản lý vẫn đạt hơn 50% kế hoạch năm Quốc hội giao và bằng 112% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong tháng 5, tổng thu ngân sách ước đạt 73.000 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thu từ dầu thô ước đạt 3.500 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt 69.500 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng qua ước đạt 562.360 tỷ đồng.

Nguyên nhân số thu 5 tháng qua đạt mức cao là do tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2020, nhất là một số nguồn thu tăng khá, phát sinh từ các ngành gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... Ngoài ra, các nguồn thu từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp, chuyển nhượng vốn cũng góp phần tăng thu cho ngân sách.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc thu ngân sách đạt hơn 50% kế hoạch năm là điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại, tình hình rất khó đoán định bởi những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên việc vừa bảo đảm tăng thu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phải được coi là nguyên tắc đặc biệt quan trọng, bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả.

Theo đánh giá, có được kết quả thu ngân sách như trên là do ngành thuế đã nắm vững và bao quát các nguồn thu, phát hiện nguồn thu mới, khai thác tốt nguồn thu. Tuy nhiên để có thể đạt và vượt chỉ tiêu của cả năm, ngành thuế vẫn phải phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực hiện dự toán thu những tháng đầu năm. Đặc biệt, cần sâu sát hơn tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp; phân tích các khoản thu, sắc thuế tăng nhiều cũng như các khoản có biểu hiện chững lại để đề xuất giải pháp thích hợp.

Đối với tình trạng nợ thuế, cần xem xét xử lý khách quan, công tâm và hiệu quả hơn, trong đó bao gồm cả xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, không còn khả năng nộp ngân sách theo Nghị quyết 94/2019/QH14. Phải quyết liệt thu nợ của những đơn vị có số nợ lớn, thường xuyên nợ. Phải coi trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh, tránh những biện pháp cực đoan chưa cần thiết, không phù hợp để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngoài ra, cần tích cực hơn trong thẩm định các hồ sơ xóa nợ, hướng dẫn giải đáp và xử lý các vướng mắc về thuế nói chung, về việc khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế nói riêng.

Thực tế, với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta thì việc chịu nhiều tác động dịch Covid-19, trong đó gồm cả thu ngân sách là khó tránh khỏi. Do vậy, để có thể thu đạt kế hoạch, cần phải thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với thu thuế, phí và lệ phí. Tuy nhiên, cũng phải thể hiện tinh thần "khoan thư sức dân".

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có chính sách căn cơ, cụ thể hơn cho doanh nghiệp. Đó là tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, hiệu quả các nguồn hỗ trợ, ưu đãi. Các chính sách thuế mới ban hành - nếu có cũng cần được trao đổi, chia sẻ với người nộp thuế để có giải pháp hợp lý, hợp tình trước khi triển khai.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tăng cường kỷ luật để chống thất thu, thu đúng, thu đủ các sắc thuế là cần thiết, song chủ trương nuôi dưỡng phát triển bền vững nguồn thu cũng cần được đặc biệt coi trọng. Không vì kế hoạch, chỉ tiêu mà thu lấy được, bất chấp thực trạng và tương lai của doanh nghiệp. Cách thức thực thi cũng cần linh hoạt, mềm dẻo. Có như vậy mới duy trì, tạo dựng được nguồn thu bền vững.

Ninh Hà