EC công bố kế hoạch củng cố mô hình đi lại Schengen

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 02:08 - Chia sẻ
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch nhằm tăng cường vai trò và khả năng thích ứng với mô hình đi lại tự do lớn nhất thế giới Schengen. Kế hoạch mới sẽ bảo đảm Liên minh châu Âu (EU) luôn ủng hộ tự do đi lại, sinh sống và làm việc giữa các nước của người dân thuộc khối.
Nguồn: DW

Hiện nay, khu vực Schengen có tổng cộng 420 triệu dân sinh sống tại 26 quốc gia, gồm 22 nước thành viên EU, cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, kế hoạch mới này sẽ giúp mô hình Schengen bền vững theo thời gian, bảo đảm tự do đi lại, giao lưu về con người, cũng như hàng hóa và dịch vụ có thể dễ dàng được trao đổi trong mọi hoàn cảnh, giúp khởi động lại các nền kinh tế trong khu vực và đưa toàn khối trở lại mạnh mẽ hơn. Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas giải thích thêm, kế hoạch này không chỉ hỗ trợ bảo đảm hiệu quả quản lý các đường biên giới ngoài của EU, mà còn củng cố nội khối Schegen, đồng thời nâng cao khả năng chuẩn bị thích ứng và quản lý giám sát của khối.

EC đề xuất điều chỉnh một số cơ chế đánh giá và giám sát mô hình đi lại, bao gồm những sự thay đổi như thúc đẩy nhanh quá trình đánh giá hay rút ngắn quy trình, trong trường hợp thiếu sót có thể gây rủi ro cho toàn bộ mô hình nói chung. Việc đánh giá hoạt động của mô hình Schengen cũng sẽ mang lại ý nghĩa chính trị nhiều hơn, thông qua việc đưa các kết quả đánh giá vào báo cáo thường niên và thảo luận với Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu.

Ủy viên phụ trách vấn đề nội bộ của châu Âu Ylva Johansson khẳng định thêm, việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý các đường biên giới ngoại khối. Các biện pháp sẽ cải thiện hợp tác giữa các lực lượng hành pháp và quản lý nhập cư, cũng như giúp củng cố anh ninh nội khối mà không cần đến các chốt kiểm tra biên giới.

Bên cạnh đó, việc đi lại giữa các nước sử dụng hệ thống hộ chiếu vaccine kỹ thuật số của EU đã bắt đầu đi vào hoạt động ở 7 quốc gia châu Âu từ hôm 1.6, trước khi chính thức được sử dụng cho tất cả 27 quốc gia thành viên từ ngày 1.7 tới. Chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số là xác nhận điện tử có thông tin của một người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đồng thời có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc đã bình phục. Chứng chỉ này có mã QR có thể lưu trữ trên điện thoại di động hoặc in ra giấy. Những du khách có một trong ba tiêu chí trên, sẽ không bắt buộc phải xét nghiệm hoặc thực hiện quy trình kiểm dịch bắt buộc. Chứng chỉ kỹ thuật số đang được chấp nhận ở Hy Lạp, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Đức, và Ba Lan.

Đây là nỗ lực của EU trong thúc đẩy khởi động các hoạt động phục hồi ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Giải pháp này được đánh giá khá nhanh chóng vì nó yêu cầu sự phối hợp đồng đều giữa 27 quốc gia của khối, đồng thời bảo đảm yêu cầu các dữ liệu thông tin phải xác minh và được bảo mật. Mục đích lâu dài là tất cả công dân EU phải có chứng nhận, đồng thời cũng yêu cầu các nước EU bắt đầu phương án loại trừ yêu cầu xét nghiệm và kiểm dịch đối với những người có chứng nhận kỹ thuật số. Bên cạnh đó, du khách ngoài khối cũng có thể nhận được chứng nhận khi đến các quốc gia thuộc EU. EC cũng đang đàm phán với Mỹ về cách xác minh tình trạng tiêm chủng của du khách đến từ quốc gia này.

Như Ý