EC đề xuất biện pháp thoát khỏi khủng hoảng năng lượng

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:01 - Chia sẻ
Để hỗ trợ người tiêu dùng và ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một danh sách đề xuất các biện pháp mà các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng để giúp hạ giá năng lượng đang tăng cao.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu xảy ra do các nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại ở mức độ cao sau một thời gian đình trệ do đại dịch Covid-19, đặc biệt khi mùa Đông sắp tới ở khu vực châu Âu sẽ càng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, do đó EC đã đưa ra đề xuất trên nhằm giảm giá năng lượng. Tuy nhiên, các biện pháp ngắn hạn do cơ quan này đưa ra chỉ mang tính tạm thời và được tập trung để có hiệu lực ngay lập tức. Các biện pháp trung hạn nhằm hỗ trợ mục tiêu của EU trở thành khu vực trung hòa carbon vào năm 2050.

	Nguồn: Bloomberg
Nguồn: Bloomberg

Cùng với nỗ lực giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng năng lượng hiện tại, Nga đã tăng tối đa nguồn cung khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng hiện có. Thư ký của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, quốc gia này sẵn sàng tăng lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine nếu EU mua nhiều hơn và Kiev đề xuất các điều kiện chuyển tải cạnh tranh. Điểm chính để Kiev giải quyết vấn đề duy trì trung chuyển là những người mua khí đốt ở châu Âu, các công ty châu Âu có thể ký một thỏa thuận dài hạn mới với công ty độc quyền Nga với khối lượng lớn hơn, tính đến nhu cầu ngày càng tăng về nhiên liệu xanh. Tổng thống Nga đã nhiều lần nói rằng, nếu EU tiếp tục mua khí đốt, nếu họ tăng hợp đồng và nếu Ukraine đưa ra các đề nghị thương mại cạnh tranh, thì tất cả những điều này sẽ tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, EC cũng đã hối thúc các quốc gia thành viên EU giải ngân các quỹ hỗ trợ dành cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng do việc tăng giá gas và điện tại châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson tuyên bố rằng, EU cần hỗ trợ có mục đích tới các công dân cũng như các doanh nghiệp nhỏ của EU, vốn là những đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khoản chi trả trực tiếp cho những người đang gặp nguy cơ cao nhất do thiếu năng lượng, cắt giảm các loại thuế năng lượng, điều chỉnh các loại thuế chung là các biện pháp cần được triển khai ngay lập tức theo đúng các quy định của EU.

Theo bà Kadri Simon, với chính sách ưu tiên ngay lập tức này có thể giúp giảm nhẹ những tác động xã hội và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm việc thiếu năng lượng sẽ không khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ nguồn viện trợ quốc gia hoặc được các chính phủ thành viên EU tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các thỏa thuận mang tính dài hạn về tăng sức mua.

Như Ý