EP có nữ Chủ tịch trẻ nhất lịch sử

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:21 - Chia sẻ
Nghị viện châu Âu (EP) đã bầu bà Roberta Metsola, người Malta, 43 tuổi, làm lãnh đạo thể chế này trong bối cảnh EP tìm cách đạt được vị trí nổi bật hơn trong cấu trúc quyền lực của Liên minh châu Âu (EU).

Nhiệm vụ không dễ dàng

Tờ New York Times cho biết, người tiền nhiệm của bà Metsola, ông David Sassoli, mới qua đời ở tuổi 65 vào tuần trước và nữ nghị sĩ này nhận được đa số phiếu bầu chọn so với hai ứng cử viên khác, tất cả đều là phụ nữ.

EU gồm 27 quốc gia là nơi sinh sống của 450 triệu công dân châu Âu. Nghị viện là cơ quan được bầu cử trực tiếp duy nhất của khối và cử tri bầu các nhà lập pháp vào thể chế này kể từ năm 1979, khi liên minh lá cờ xanh còn ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Nguồn: ITN

Mặc dù các cuộc bầu cử Nghị viện được tổ chức 5 năm một lần, nhưng EU có một cơ cấu phức tạp và thường bị những người chỉ trích phê phán là bộ máy quan liêu mờ nhạt, tách rời khỏi công dân… và thiếu trách nhiệm giải trình dân chủ, ngay cả khi quyền lực của nó lớn mạnh hơn.

Phát biểu trước nhà lập pháp của khối, bà Metsola khẳng định: “Trong những năm tới, mọi người trên khắp châu Âu sẽ nhìn vào thể chế của chúng ta để lãnh đạo và chỉ đạo, trong khi những người khác sẽ tiếp tục kiểm tra các giới hạn của các giá trị dân chủ và nguyên tắc châu Âu của chúng ta”.

Bà Metsola, thành viên của đảng Nhân dân châu Âu bảo thủ, nhóm chính trị lớn nhất của EP, sẽ phải gánh nhiệm vụ khó khăn trong việc lãnh đạo một thể chế Nghị viện bị phân mảnh nhất trong nhiều thập kỷ khi giải quyết các vấn đề như hạn chế phát thải carbon, duy trì pháp quyền hay đặt ra các quy tắc cho các công ty công nghệ lớn…

Ngoài ra, bà cũng sẽ phải điều hướng mối quan hệ của EP với hai thể chế khác điều hành khối: Ủy ban châu Âu, bộ máy hành pháp của EU; và Hội đồng châu Âu, nơi tập hợp những người đứng đầu Chính phủ của 27 quốc gia thành viên. Trên thực tế, ba nhánh quyền lực trên thường cạnh tranh với nhau để giành ảnh hưởng, trong đó Nghị viện thường là nhánh yếu nhất.

Điệu nhảy giữa các thể chế EU đã và đang mở ra trong bối cảnh của một câu hỏi hóc búa lớn hơn: liệu khối liên minh lá cờ xanh có thể trở nên dân chủ và hoạt động hiệu quả hơn trong khi vẫn duy trì cấu trúc hiện tại của mình không?

Nghị viện châu Âu có thể phủ quyết luật, thiết lập ngân sách, phê chuẩn các hiệp định quốc tế và có vai trò giám sát đối với các thể chế khác nhau. Nó cũng có tiếng nói cuối cùng trong việc phê chuẩn chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nhưng vào tháng 12. 2019, khi người đứng đầu hiện tại của Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, được bổ nhiệm, các nhà lãnh đạo quốc gia đã từ chối lời hứa đề cử Chủ tịch từ các ứng cử viên do các nhà lập pháp của Nghị viện đề xuất, được coi là một đòn giáng mạnh vào vị thế của thể chế này. Các nhà làm luật châu Âu cũng không thể cách chức từng Ủy viên mà chỉ có thể giải tán toàn bộ Ủy ban châu Âu.

Và có một sự khác biệt quan trọng với các cơ quan lập pháp quốc gia, EP không có quyền ban hành luật, điều mà nhiều người cho rằng đó là trở ngại rất lớn.  Bà Marietje Schaake, cựu nghị sĩ châu Âu, hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford cho biết: “Nó đặt bạn vào chế độ phản ứng” và “đó là lỗ hổng lớn trong thiết kế của liên minh”.

Trong khi đó, ông Alberto Alemanno, giáo sư luật EU tại Trường kinh doanh HEC Paris, nói thẳng ra hơn. Theo ông, “EP không phải là Nghị viện, bởi vì nó không có sáng kiến lập pháp, cũng không phải là của châu Âu, bởi vì các thành viên của nó được bầu ở cấp quốc gia chứ không phải ở cấp châu Âu”.

EP sẽ có vai trò thực chất hơn?

Tuy  nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong những năm gần đây, EP đã trở nên nổi bật hơn, thể hiện qua việc gia tăng số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2019 và thông qua một loạt các động thái táo bạo bất thường.

Dưới thời cố Chủ tịch EP Sassoli, người Italy, EP từng đưa Ủy ban châu Âu ra tòa vì không sử dụng các quy tắc hiện hành để cắt giảm tài trợ cho các nước thành viên vi phạm tiêu chuẩn pháp quyền. Và vào tháng 5.2021, các nhà lập pháp còn bỏ phiếu ngăn chặn thỏa thuận đầu tư khổng lồ giữa khối và Trung Quốc, với lý do liên quan đến nhân quyền…

Khi vị trí của  EP trở nên lớn mạnh, vai trò của Chủ tịch Nghị viện cũng vậy. Theo giáo sư Alemanno , “đó không còn là vai trò của một nhân vật mang tính hình thức”. Ông nói: “Chủ tịch EP là người có thể cho phép EP thúc đẩy các mục tiêu chính trị cũng như bảo vệ các đặc quyền của mình.”

Theo nhiều cách, bà Metsola, một cựu luật sư, mang đến luồng gió mới cho vai trò Chủ tịch. Trong số gần 60% các nhà lập pháp là nam giới và độ tuổi trung bình là khoảng 50, bà là nữ Chủ tịch đầu tiên đến từ Malta, quốc gia thành viên nhỏ nhất của khối.

Tuy nhiên, theo nhiều cách khác, bà Metsola là lựa chọn chính. Nữ chính trị gia này thuộc nhóm thống trị của Nghị viện, đây cũng là nơi tổ chức đảng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen. Vì thế, những người lo ngại, mối quan hệ chính trị có thể là trở ngại cho việc bà Metsola đứng lên “tranh luận” với Ủy ban châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Times trước khi được lựa chọn làm Chủ tịch, bà Metsola nói, “Chúng tôi có nhiệm vụ giữ trách nhiệm giải trình và sẽ tiếp tục làm điều đó mà không để mắc lỗi”. “Nhưng chúng tôi sẽ ghi nhớ bức tranh toàn cảnh hơn về EU đoàn kết”, bà nói thêm. “Tôi không muốn Nghị viện gặp khó khăn trong các cuộc tranh luận giữa các thể chế”.

Được đánh giá là người thẳng thắn chống tham nhũng và sự xói mòn của nhà nước pháp quyền, đặc biệt là ở quê hương Malta, nhưng bà Metsola cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích về quan điểm bảo thủ về mặt xã hội của mình, đặc biệt là quan điểm chống phá thai.

Trong một cuộc thăm dò gần đây, 63% người châu Âu cho biết họ muốn EP đóng vai trò quan trọng hơn. Một đề xuất mới sẽ cho thấy một số nhà lập pháp được bầu từ liên Âu (Pan Europe)  thay vì danh sách quốc gia, nhằm mục đích tăng cường kết nối với cử tri trên toàn khối. Nhưng vẫn chưa rõ liệu thay đổi đó có được thực hiện trước cuộc bầu cử tiếp theo, được lên kế hoạch vào năm 2024 hay không.

Ngọc Minh