Trung Quốc

Evergrande đối mặt với "quả bom" nợ khổng lồ

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:06 - Chia sẻ
Sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ cách đây 13 năm là minh chứng rõ ràng cho việc một thực thể lớn vỡ nợ đã gây chấn động lớn thế nào cho cả thế giới. Ký ức về sự kiện kinh hoàng đó đang trở lại khi Tập đoàn bất động sản siêu lớn - Evergrande của Trung Quốc đang đối mặt với "quả bom" nợ khổng lồ.

Ngân hàng Trung ương ra tay

Các chuyên gia đều chung nhận định lạc quan rằng, Evergrande là một doanh nghiệp quá lớn để có thể sụp đổ, và Chính phủ Trung Quốc sẽ có những can thiệp nhất định để ngăn chặn "khoảnh khắc Lehman Brother" tái diễn.

Trên thực tế, theo thông tin mới nhất Evergrande cho biết, họ đã đàm phán xong với các trái chủ để trả lãi đến hạn vào ngày 23.9 đối với trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ. Được biết, kế hoạch trả lãi trị giá khoảng 232 triệu Nhân dân tệ (khoảng 35,9 triệu USD), tuy nhiên không có đề cập nào về những khoản trả lãi đối với trái phiếu nước ngoài.

Nguồn: Guardian
Nguồn: Guardian

Theo Bloomberg, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Evergrande đang tanh bành và làm chao đảo các thị trường toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phải tăng cường bơm tiền mặt ngắn hạn 25.6 tỷ USD vào hệ thống tài chính. Ông Eugene Leow, chiến lược gia cấp cao về lãi suất của Ngân hàng DBS ở Singapore cho biết: “Việc bơm ròng của PBOC có lẽ nhằm xoa dịu những lo lắng của thị trường về Evergrande. Mặc dù mục đích có thể là tăng cường kỷ luật, nhưng cũng cần phải ngăn chặn sự lây lan vào nền kinh tế thực hoặc sang các lĩnh vực khác”.

Nhu cầu làm dịu những xáo trộn của thị trường đang được thúc đẩy cấp bách trong bối cảnh các cổ phiếu liên quan đến Trung Quốc bị thua lỗ trên toàn thế giới trong mấy ngày gần đây trong bối cảnh lo ngại về những tai ương nợ nần của Evergrande. Chỉ số CSI 300 tiêu chuẩn giảm 1,9% vào thứ Tư sau khi Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng - thước đo cổ phiếu Trung Quốc giao dịch tại Hong Kong - giảm mạnh nhất trong hai tháng vào đầu tuần. Các khoản lỗ xảy ra ngay cả khi các nhà phân tích tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng, Evergrande không phải là phiên bản Trung Quốc của vụ Lehman Brothers của Mỹ trước đây, vốn châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Con đường dẫn đến khủng hoảng

Evergrande nổi lên trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và các tòa nhà chung cư ngay khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ sở hữu tư nhân. Được thành lập vào năm 1996, tập đoàn sở hữu hơn 1.300 dự án phát triển tại 280 thành phố và mở rộng sang các ngành công nghiệp lớn khác - sở hữu một nhà sản xuất ô tô điện, một tập đoàn khai thác khoáng sản, một đội bóng đá và thậm chí một công viên giải trí. Tập đoàn tự duy trì nhờ mở rộng và dòng tiền liên tục, thông qua các khoản thanh toán từ người tiêu dùng và các khoản vay dồi dào.

Tuy nhiên, các khoản vay này ngày một lớn và giờ đây khoản nợ lên tới 300 tỷ USD. Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến “trận chiến khó khăn” của Nhà nước đối với những vấn đề liên quan đến nghèo đói, ô nhiễm và rủi ro tài chính. Năm 2020, các cơ quan quản lý đã áp đặt “ba ranh giới đỏ” đối với các nhà phát triển bất động sản và thói quen vay nợ của họ. Nhà phát triển nào được bảo trợ quá mức, thì sẽ ít được phép vay. Evergrande đã vi phạm cả "ba ranh giới đỏ", vì vậy các nhà quản lý đã đặt một giới hạn cứng đối với khoản nợ.

Nhìn rộng hơn, ngay cả sau khi vấn đề Evergrande được giải quyết, căn bệnh nợ nần chồng chất của Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp diễn, vì nợ được phép chạy vô giới hạn trong các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế cho đến khi quá muộn để ngăn chặn bất kỳ thất thoát nào. Thực tế, các thực thể rủi ro đã được phép vay trong một thời gian dài trước khi đối mặt với nguy cơ phá vỡ sự ổn định xã hội và gây hại cho các nhà đầu tư và các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thế giới bị ảnh hưởng

Theo Washington Post, Evergrande có trong tay rất nhiều ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc - quản lý tài sản, khách sạn, truyền thông, tài nguyên thiên nhiên - mà một số chuyên gia lo ngại về “sự lây lan” hoặc hiệu ứng lan tỏa. Nói cách khác, nếu một trụ cột kinh tế lớn sụp đổ, nó sẽ lan sang các thị trường hoặc khu vực khác?

Một mối lo ngại khác có thể kể đến là thị trường tín dụng. Evergrande đã vay quá nhiều và khiến rất nhiều người cho vay có nguy cơ bị mất tiền. Vậy liệu khả năng vỡ nợ của nó có ảnh hưởng đến những người đi vay khác không? Về cả hai câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để trả lời.

Nhưng những dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện: Hàng trăm triệu chủ nhà Trung Quốc có thể thấy giá trị tài sản của họ giảm xuống, có nghĩa là có nhiều khả năng họ sẽ kiềm chế chi tiêu. Thị trường tiêu dùng toàn cầu, trên tất cả mọi thứ, từ quần áo, điện tử đến thực phẩm, dựa vào sức mua dồi dào của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Nếu đất nước "gấu trúc" sẵn sàng chi tiêu ít hơn nhiều cho hàng tiêu dùng, chắc chắc kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Không thể để nỗi đau quá lớn

Theo Financial Time, với hệ thống ngân hàng được thống trị bởi các ngân hàng quốc doanh, Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng rất lớn và có thể ra lệnh giải cứu Evergrande bất cứ lúc nào. Nhưng hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng Bắc Kinh đang muốn lấy Evergrande làm bằng chứng sống cho thấy Chính phủ đang thực sự nghiêm túc về “3 ranh giới đỏ”. Mục tiêu cuối cùng là giảm mức nợ cũng như giảm tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở đã kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, với lĩnh vực bất động sản đóng góp tới 29% GDP, một công ty lớn như Evergrande đổ vỡ sẽ khiến cả ngành lao đao và dập tắt đà hồi phục hậu Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới chức đang đứng trước bài toán siêu khó: Cần phải chịu "đau" để chứng tỏ quyết tâm làm sạch thị trường nhưng cũng không thể để nỗi "đau" này khiến một trong những cỗ máy quan trọng nhất của nền kinh tế ngừng quay.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered ở Hong Kong cho rằng, những gì thị trường hy vọng là Chính phủ sẽ làm là đưa ra một kế hoạch có thể giúp Evergrande tái cấu trúc và được tái cấp vốn một cách suôn sẻ. Theo ông, điểm mấu chốt là Trung Quốc sẽ không cho phép vấn đề Evergrande biến thành “cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện hoặc để nó gây ra bất kỳ rủi ro hệ thống nào”.

Linh Anh