Fintech trong bất động sản sẽ thành xu thế

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:29 - Chia sẻ
Giới chuyên gia nhận định việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) dù còn mới mẻ nhưng sẽ là xu thế và mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực bất động sản, do vậy cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo bước phát triển đột phá.

Có thể tạo ra đột phá

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đang phát triển các app (ứng dựng trực tuyến) để bán hàng. Với việc sử dụng các App này, hoạt động bán hàng của các nhân viên kinh doanh truyền thống đang dần thu hẹp và được thay thế. Khi sử dụng App của chính các doanh nghiệp bất động sản, thay vì phải tìm kiếm giữa một khối lượng thông tin bất động sản khổng lồ và khó xác định tính trung thực thì giờ đây, mọi thông tin khách hàng cần đều nằm gọn trong một ứng dụng, có đơn vị phát hành rõ ràng. Đặc biệt, thông qua hình thức này thì nguồn tin đăng cũng đã được kiểm chứng ở một mức độ nhất định, giúp khách hàng yên tâm vì có được sự minh bạch trong thông tin.

		Fintech trong bất động sản sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai 	Nguồn: Internet
Fintech trong bất động sản sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai
Nguồn: Internet

Không chỉ vậy, Fintech trong bất động sản còn bao gồm các ứng dụng thanh toán phí dịch vụ, tiền nhà tự động tại các ứng dụng thanh toán trực tuyến một lần; hoặc nhập thông tin vào ứng dụng của chủ đầu tư một lần và tự động thanh toán các loại chi phí. Qua đó, tạo thuận tiện hơn trong các hoạt động giao dịch…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc phát triển các căn hộ, đô thị thông minh, áp dụng công nghệ thông tin trong các công trình ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Việc sử dụng các dữ liệu lớn (big data) chuyển đổi số trong tìm kiếm, chăm sóc khách hàng, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng dần trở nên thông dụng. Trong lĩnh vực bất động sản, tài chính và đất đai được xem là hai yếu tố quan trọng nhất, việc tìm kiếm nguồn vốn, huy động vốn vay của các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản từ các kênh truyền thống như ngân hàng vừa tốn kém về thời gian chi phí, thiếu công khai minh bạch. Nếu áp dụng Fintech sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, gia tăng hiệu quả, đây sẽ là giải pháp tích cực đặc biệt trong bối cảnh dịch phức tạp.  

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực nhận định, với bất động sản sự tham gia của Fintech sẽ có 4 chức năng chính. Một là, kênh để thị trường huy động vốn, nhất là nguồn vốn từ cộng đồng và có thể tồn tại dưới quỹ đầu tư hoặc nền tảng công nghệ để chủ đầu tư bất động sản và nhà đầu tư bên ngoài trực tiếp liên kết với nhau. Hai là thanh toán, nhất là thanh toán tiền thuê, thủ tục phí, thanh toán các khoản chi phí có liên quan. Ba là, để so sánh về lãi suất, tỷ giá giữa các tổ chức tài chính, các nền tảng tài chính với nhau để cả chủ đầu tư và người mua bất động sản có thể tham khảo. Bốn là, về lâu dài tiền kỹ thuật số sẽ phát triển, từ đó thanh toán không dùng tiền mặt trong bất động sản cũng sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

Fintech dù là khái niệm mới nhưng sẽ là xu thế và cũng là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp bất động sản tăng tính cạnh tranh, tạo đột phá trong thời kỳ phát triển mới", Nguyễn Thị Thanh Hòa, đồng Chủ tịch Realtech Việt Nam khẳng định.  

"Lúc này cần hoàn thiện hành lang pháp lý"

Dù vậy TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ rõ những rủi ro khi ứng dụng Fintech vào bất động sản. Ông Lực chỉ rõ, việc huy động vốn qua app đang phổ biến, nếu nhà đầu tư không cẩn thận, cả tin sẽ bị lừa. Hơn nữa, hiện chưa rõ khuôn khổ pháp lý của Fintech trong hoạt động bất động sản, đây chắc chắn sẽ là lỗ hổng lớn. Các rào cản liên quan đến an ninh mạng, thông tin dữ liệu cá nhân… cũng gây ra nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng vẫn là tiền mặt, điều này cũng gắn với chuyện người ta muốn trốn thuế và đây cũng là lực cản lớn. “Lúc này cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Fintech”, ông Lực nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích, nền kinh tế chia sẻ, nó đã hình thành và đã hoạt động nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể, hay ngay trong bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang có những lùng nhùng về pháp lý điển hình như căn hộ du lịch (Condotel). Do đó, đối với Fintech trước hết phải hình thành doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ thông qua hệ thống công nghệ, từ thực tiễn đó mới có luật pháp. Chúng ta có những kinh nghiệm quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước như ngân hàng, thuế, cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu lĩnh vực này, phải có xương sống để phát triển và quản lý.

“Việt Nam ứng dụng công nghệ rất nhanh và sẽ còn sáng tạo hơn nhiều, nhưng làm sao để phát triển nhưng tránh được rủi ro cho khách hàng? Câu trả lời duy nhất là buộc phải có những chế tài để khách hàng yên tâm để ứng dụng các dịch vụ đấy. Có ứng dụng thì đơn giản nhưng làm sao cho khách hàng tin và nhà nước bảo vệ như thế nào mới khó. Pháp luật liên quan đến Fintech phải được hoàn thiện hơn nữa, thời gian tới về phía Hiệp hội cũng sẽ có những nghiên cứu đề xuất với Nhà nước về vấn đề này”, ông Hà khẳng định.

Dưới góc độ doanh nghiệp đã áp dụng Fintech trong bất động sản, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CENGROUP Phan Văn Hưng kỳ vọng cơ hội đang mở ra và cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía chính quyền để thực hiện tốt hơn.

Hạnh Nhung