Hội nghị Cấp cao ASEAN 37

Gắn kết và chủ động thích ứng

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:36 - Chia sẻ
Hôm nay, 12.11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 khai mạc theo hình thức trực tuyến, mở màn cho một loạt hội nghị cấp cao liên quan và các sự kiện quan trọng. Diễn ra từ 12 - 15.11, đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là tổng kết lại công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như đưa ra các biện pháp để thúc đẩy khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của Năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm, cả hoạt động nội khối cũng như hợp tác với các đối tác, đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết đối tác quan trọng. Đặc biệt, Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, trong khi nỗ lực mở cửa trở lại, từng bước phục hồi của các quốc gia gặp nhiều thách thức.

Việt Nam đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37

Hướng tới “bình thường mới” hậu Covid-19

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 mà cả năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là lấy tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” để cùng đưa khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Như Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá, điểm đáng chú ý trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này là sự tán thành của các nhà lãnh đạo đối với Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai. Văn kiện này sẽ được công bố sau phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN lần thứ 37 cùng với Lễ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ, kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.  

Trong buổi họp báo hôm 9.11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định thành lập Hội đồng điều phối ASEAN phụ trách vấn đề phòng, chống Covid-19. Bộ trưởng Ngoại giao các nước cũng đã thành lập ngay nhóm công tác của Hội đồng điều phối, chuyên về các vấn đề y tế khẩn cấp. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó, đến nay ASEAN đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng, chống Covid-19 và được các nước trong khu vực cũng như thế giới đánh giá cao. Trong những kết quả đó có việc các nước thống nhất lập Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 và xây dựng Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, dự kiến cũng sẽ được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Hiện Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 đã nhận được mức đóng góp 10 triệu USD từ các nước ASEAN và đối tác.

Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận về Thỏa thuận thiết lập hành lang đi lại trong ASEAN cũng được kỳ vọng đạt được kết quả nhằm tạo thuận lợi cho việc nối lại các hoạt động kết nối người dân trong khu vực một cách an toàn.

Ngoài ra, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Những văn bản này sẽ đóng vai trò là chiến lược của cả Cộng đồng trong việc đưa khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho rằng, các biện pháp nói trên là sự ứng phó tập thể của ASEAN hướng tới tình trạng “bình thường mới” giai đoạn hậu Covid-19 một cách an toàn và bền vững, trong đó có tính đến những giao thức y tế và đi lại của từng quốc gia thành viên. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng: “Các kết quả mang tính xây dựng từ các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực thúc đẩy niềm tin thị trường vốn rất cần thiết trước các áp lực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn chung đối với nền kinh tế khu vực”.

Chương trình nghị sự dày dặc

Hội nghị dự kiến có 20 hoạt động ở cấp cao, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên Hợp Quốc (LHQ), Australia, Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, và Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong dịp này cũng sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc.

Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi bốn nội dung chính. Một là, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức. Hai là, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN. Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi. Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt hội nghị lần này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN có sự tham dự của đại diện lãnh đạo 10 nước ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19”. Đại diện cho lãnh đạo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu. Về khách mời quốc tế phát biểu tại hội nghị dự kiến sẽ có đại diện cấp cao Tổng Thư ký LHQ và Ngân hàng Thế giới (WB).

Các hoạt động khác sẽ được tổ chức có phiên đối thoại với đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Lễ khởi động chuỗi logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và kinh doanh ASEAN.

Số lượng văn kiện nhiều và chất lượng nhất

Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN khẳng định, điểm nhấn lớn nhất của các Hội nghị cấp cao lần này là việc thông qua số lượng văn kiện cũng như tài liệu kỷ lục, lên đến 80 văn kiện mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã dành thời gian xây dựng suốt một năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong số đó, công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp tục thúc đẩy với các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các đối tác ủng hộ, như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

“Chúng tôi tự tin là sẽ có các văn kiện chất lượng nhất, có ý nghĩa, trình các lãnh đạo thông qua để khẳng định rằng ASEAN là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trong trong bối cảnh hiện nay và ASEAN tiếp tục mở rộng hợp tác với tất cả đối tác trong ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như nỗ lực phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội”, Đại sứ Trần Đức Bình nhấn mạnh.

Đại sứ Trần Đức Bình cũng cho biết trong năm vừa qua, Phái đoàn Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN hoàn tất kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 giữa ASEAN và các đối tác bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và LHQ. Bên cạnh đó, các nước ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam cũng đã thực hiện đánh giá, kiểm điểm Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột, qua đó tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng cộng đồng vững chắc hơn, hiệu quả hơn thời gian tới.

Đại sứ Trần Đức Bình cho biết kỳ vọng lớn nhất của cả năm qua là hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây cũng là nỗ lực rất lớn của các thành viên khối kinh tế cũng như ngành ngoại giao nhằm vận động, thúc đẩy việc hoàn tất và ký kết RCEP tại hội nghị lần này.

Quyết tâm và sẵn sàng

Phát biểu tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN trù bị hôm 9.11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam nỗ lực cao nhất tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các cấp cao liên quan, sự kiện quan trọng nhất của Năm ASEAN 2020. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng cảm ơn các nước đã phối hợp tích cực trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị; đánh giá cao đóng góp của các nước ASEAN trong thúc đẩy ưu tiên, sáng kiến Năm ASEAN 2020; nhấn mạnh những sáng kiến này đã thực sự trở thành “sản phẩm chung” của ASEAN, là những điểm sáng, khẳng định tinh thần đoàn kết và hợp tác của ASEAN.

Đánh giá về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 của nước chủ nhà Việt Nam, các nước đều có chung nhận định, Việt Nam không chỉ làm rất tốt công tác hậu cần cho hội nghị quan trọng này, mà còn tích cực đề xuất và thúc đẩy các ưu tiên sáng kiến trong năm, đạt được nhiều kết quả thực chất, đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vừa nỗ lực ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, vừa phục hồi toàn diện, thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc gắn kết các quốc gia thành viên.

Phát huy tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch Covid-19 và củng cố vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế. Đến nay, ASEAN đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Gắn kết và chủ động thích ứng không đơn thuần là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp khu vực tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên”.

Đạt Quốc