Sổ tay:

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 06:09 - Chia sẻ
Nghị quyết số 66/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 của Chính phủ đã tiếp tục nhận định công tác xây dựng thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược; là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chính vì lẽ đó, việc xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu (người phụ trách) tại các bộ, ngành, địa  phương trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Nghị quyết này chỉ rõ.

Từ việc đánh giá thực trạng công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua với những vấn đề nổi cộm như: tiến độ, chất lượng dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kịp thời để phù hợp với các vấn đề phát sinh trong thực tiễn… Nghị quyết đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục các hạn  chế nêu trên. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh, không được tái diễn tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chủ động đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo tổ chức huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng và chất lượng của văn bản, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc xin lùi, rút dự án luật, pháp lệnh; khắc phục triệt để việc chậm, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thời gian vừa qua.

Để thực hiện được những nhiệm vụ mà Nghị quyết đã giao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực; đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, không để tiếp diễn tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết.

Thời gian còn lại không nhiều (chưa đến 5 tháng) với 55 văn bản hướng dẫn chi tiết cần phải  ban hành - một áp lực không nhỏ đối với các bộ, ngành. Để không còn tình trạng “chờ văn bản hướng dẫn”, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản; sớm có giải pháp đối với những vấn đề còn nhiều ý  kiến khác nhau. Đồng thời, Bộ Tư pháp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động của các cơ quan trong việc trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của việc xây dựng, ban hành văn bản phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội.

Nguyễn Minh