Giá sàn, giá rẻ và sự điều tiết của thị trường

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 12:34 - Chia sẻ
Theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông -Vận tải, mức giá sàn của vé máy bay nội địa là khoảng 320.000 - 750.000 đồng, áp dụng từ đầu tháng 11 năm nay đến hết tháng 10 năm sau.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé, tối đa là 1,6 triệu đồng vé; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.00 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay cự ly 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Theo giải thích của Cục Hàng không, khung giá này là sát với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không nước ta, xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ. Trước mắt, thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1.11.2021 hết ngày 31.10.2022. Về dài hạn, khi thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường với sự cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết.

Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh do không khai thác chuyến bay quốc tế. Các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể. Khi thị trường hồi phục, các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh. Do đó, Cục Hàng không đánh giá, chính sách khung giá tạm thời nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vậy nhưng nếu khung giá này được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể có các chương trình với giá vé máy bay rất rẻ, thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn - đồng nghĩa với việc hành khách sẽ không được lợi từ các chương trình giảm giá vé.

Ngay sau khi có đề xuất này, ngày 7.9, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không bổ sung các phương án xác định mức giá tối thiểu của khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách, số liệu chứng minh phương án đề xuất thể hiện được sát với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam. Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; phương án giá của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ về giá dịch vụ vận chuyển và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Cục Hàng không phải đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp là người tiêu dùng, các hãng hàng không, quyền lợi của Nhà nước; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động điều chỉnh khung giá đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Những vấn đề này phải trình Bộ trước ngày 23.9.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, dù đề xuất như trên nhưng Cục Hàng không thừa nhận giải pháp mang tính chất tình huống này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số quốc gia đã từng quy định mức giá tối thiểu vé máy bay nội địa đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán của các hãng hàng không nên đã bãi bỏ. Hơn nữa, việc này cũng gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh và người tiêu dùng phản ứng vì có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận các mức giá ưu đãi của một bộ phận hành khách...

Giá sàn vé máy bay có tác động rất lớn khi có sự điều chỉnh, nhất là việc quy định mức giá sàn - cần hết sức cẩn trọng, khách quan, tính toán khoa học. Đồng thời cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các quy định pháp luật liên quan cũng như những tác động đến thị trường và người dân, quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.

Khương Ninh