Một năm EVFTA có hiệu lực (từ ngày 01.8.2020 đến 01.8.2021):

Gia tăng nhập khẩu hơn xuất khẩu

- Thứ Năm, 04/11/2021, 16:55 - Chia sẻ
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 6,2%, nhưng tốc độ nhập khẩu tăng rất cao 24% so với cùng kỳ (01.8.2019 đến 01.8.2020). Đây là kết quả trong Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố chiều ngày 3.11.

Nhập khẩu tăng hơn 24% so với cùng kỳ

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD tính đến ngày 31.07.2021, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,9%; hàng dệt may giảm 15,2%, giày dép các loại giảm 11,3%.

Trong khi đó, mặt hàng sắt thép và vật liệu liên quan đến cao su, nhờ vào việc thuế suất giảm xuống còn 0% hầu hết các mã hàng, và giá sắt thép tăng cao, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (gấp 5,6 lần).

Đáng chú ý, đối với kim ngạch nhập khẩu, sau một năm hiệp định có hiệu lực hàng hóa từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU bao gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị và dụng cụ khác, sản phẩm hóa chất. Ai-len là thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Về đầu tư từ các nước EU sang Việt Nam, báo cáo nêu rõ, lũy kế đến hết tháng 9.2021, các nước EU đầu tư 2.249 dự án (chiếm tỉ trọng 6,59%) với tổng số vốn đăng ký đạt 22,27 tỷ USD (chiếm tỉ trọng5,52%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khi EVFTA có hiệu lực, tình hình đầu tư từ các nước EU sang Việt Nam giảm cả về số dự án cấp mới lẫn số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Hà Lan và CHLB Đức là hai quốc gia trong EU có tổng nguồn vốn đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.

Với giả định quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cầu hàng hóa từ phía EU không đổi, trị giá xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực (từ ngày 01.8.2020 đến 01.8.2021) và nếu chưa áp dụng các chính sách miễn giảm thuế quan có thể đạt 45,46 tỷ USD.

Cụ thể, khi áp dụng các chính sách miễn giảm thuế quan theo EVFTA, trị giá xuất khẩu hàng hóa có thể lên tới 51,04 tỷ USD, tăng 12,27% so với trường hợp không có Covid-19 và chưa áp dụng việc giảm thuế và tăng tới 36,28% so với cùng kỳ năm trước (01.8.2019 đến 01.8.2020). “Các kết quả này cho thấy giá trị tiềm năng của các chính sách miễn giảm thuế quan từ EU lên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam trong năm 2021 trong điều kiện lý tưởng” đại diện nhóm nghiên cứu nói.

	Nguồn Internet
Nguồn Internet

Phải gia tăng xuất khẩu về chất lượng thay vì số lượng

Bên cạnh những kết quả đạt được sau một năm EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Báo cáo nêu rõ, chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN; các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong cùng khu vực.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để có thể duy trì và phát huy được lợi thế như một “cửa ngõ” trong quan hệ thương mại với EU.

“Cải cách của Việt Nam nhằm đáp ứng đòi hỏi của EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn”, vì vậy báo cáo khuyến nghị: Cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ và vấn đề về quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Anh Thu cho rằng, cần giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh chi phí thương mại của Việt Nam đang cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Hạn chế vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp trong nước, cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bởi cho dù có hay không có FTA. Xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.

Tại hội thảo, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) Lê Quốc Phương cho hay, Việt Nam được coi là cường quốc về xuất khẩu khi đứng thứ 31 trên thế giới, nhưng giá trị gia tăng lại rất kém, chỉ đứng trước vài nước trong khu vực ASEAN.

Việt Nam có lợi thế rất lớn vì tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy, về lâu dài chúng ta phải gia tăng về chất lượng thay vì số lượng xuất khẩu như hiện nay. Do đó, theo ông Phương, cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp nâng cao giá trị gia tăng để tăng được hàm lượng nội địa. Có như vậy mới tận dụng được lợi ích thực sự từ các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng.

Tuệ Anh