Khuyến công Hòa Bình

Giải bài toán “ly nông bất ly hương”

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:59 - Chia sẻ
Giai đoạn 2014 - 2020, hoạt động khuyến công đã giúp Hòa Bình giải được bài toán “ly nông bất ly hương” khi tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, cải thiện, nâng cao điều kiện sống mà không phải xa nhà. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu tạo việc làm cho 2.000 - 3.000 lao động nông thôn.
	Chương trình khuyến công đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế địa phương
Chương trình khuyến công đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế địa phương

Cơ sở sản xuất dần đi vào ổn định

Giai đoạn 2014 - 2020, với tổng nguồn vốn khuyến công 41,7 tỷ đồng, Hòa Bình đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các cơ sở sản xuất hương thắp, may mặc công nghiệp; hỗ trợ 3 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và 17 đề án ứng dụng máy móc tiên tiến. Song song với đó, còn đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn như triển lãm, hội chợ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…

Đơn cử, năm 2020, với nguồn vốn khuyến công quốc gia 298 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm) đã hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Hòa Bình ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất dầu Sachi.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và với sự giúp sức của nguồn vốn khuyến công, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư 1 máy bóc vỏ quả, vỏ hạt Sachi, 1 máy ép dầu và 1 máy lọc dầu. Máy móc vận hành ổn định, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giải quyết thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Tương tự, Trung tâm đã hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); Công ty CP INCA Việt Nam (TP. Hòa Bình) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với kinh phí hơn 241 triệu đồng cho mỗi đơn vị.

Năm 2021, Trung tâm được Bộ Công thương giao thực hiện 3 đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản, may công nghiệp với 5 đơn vị thụ hưởng và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô 250 gian hàng.

Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh tại các cơ sở đã ổn định. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số cơ sở công nghiệp nông thôn còn chậm mở rộng sản xuất. Ứng dụng công nghệ với các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế, đầu tư manh mún và thiếu đồng bộ. Chất lượng lao động và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu là các thị trường truyền thống…

Xây dựng đề án điểm, nhóm phù hợp tiềm năng, lợi thế

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình  tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích hỗ trợ thực hiện các đề án khuyến công. Cụ thể, phấn đấu tạo việc làm cho 2.000 - 3.000 lao động nông thôn, hỗ trợ hơn 20 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao, ứng dụng máy móc tiên tiến. Hỗ trợ 50 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, xây dựng và đăng ký thương hiệu; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử ý ô nhiễm môi trường cho 3 lượt cụm công nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn…

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến công tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, mới đây UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch 156/KH-UBND. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ đạo, thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của địa phương và bối cảnh tình hình mới. Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện hoạt động khuyến công. Thực hiện lồng ghép với các dự án, chương trình khác nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn để chương trình đạt hiệu quả cao.

Về phía Sở Công thương Hòa Bình phải hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm khuyến công xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm có trọng tâm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn

Hạnh Nhung