Giải bài toán thiếu hụt lao động qua đào tạo

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:18 - Chia sẻ
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định với nhiều chính sách giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành; kỹ năng lao động còn nhiều hạn chế.
Cần có thêm nhiều chính sách giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

Lao động có bằng cấp mới đạt 24,5%

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực; lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh sang những công việc mang tính ổn định, bền vững hơn... Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm đã tăng nhiều so với trước.

Tuy vậy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% vào năm 2020; cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Phó Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) Lê Thị Xuân Quỳnh chỉ ra rằng, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN - 4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày càng già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa.

Cũng theo bà Quỳnh, nguyên nhân dẫn tới hạn chế là do thị trường lao động Việt Nam thiếu đồng bộ, triển khai chậm; việc sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; đã xác định được ngành, nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.

Cần quy hoạch tổng thể

Để giải quyết những vấn đề về đào tạo nghề cho lao động cũng như tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) vừa có công văn kèm hướng dẫn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ về việc đánh giá thực trạng và định hướng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên phạm vi quản lý.

Hướng dẫn của Bộ LĐ, TB - XH cũng nêu rõ, việc đánh giá thực trạng sẽ tập trung vào 4 nội dung, bao gồm: quy mô tuyển sinh (cấp trình độ đào tạo, lĩnh vực đào tạo); mạng lưới cơ sở GDNN; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Bộ LĐ, TB - XH cũng đề nghị các bộ, ngành dự báo xu thế, kịch bản phát triển mạng lưới cơ sở GDNN, dự kiến mạng lưới cơ sở GDNN. Theo đó, dự kiến mạng lưới cơ sở GDNN của các bộ, ngành phải đáp ứng các yêu cầu, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; chiến lược phát triển giáo dục; chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Bên cạnh đó, phải căn cứ thực trạng mạng lưới cơ sở GDNN để nghiên cứu, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của bộ, ngành, vùng và cả nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ và mở rộng hợp tác quốc tế về GDNN.

Trước đó, tháng 3.2021, Bộ LĐ, TB - XH đã trình Chính phủ về việc sử dụng khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, dự kiến mức đề xuất hỗ trợ học nghề là 1 triệu đồng/người trong thời gian tối đa 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng, có thể coi việc dành 6.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động học nghề lần này như một đợt thí điểm, nếu triển khai tốt sẽ là tiền đề cho những chiến lược đào tạo có tính chất lâu dài và bài bản về sau.

Nếu được thông qua, chính sách hỗ trợ sẽ được áp dụng ngay trong cuối quý II. Bộ LĐ, TB - XH cho rằng, về tính khả thi, phương án hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có thể tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ hơn so với quy định hiện nay. Từ đó, thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại lao động, bảo đảm duy trì việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp cũng như tăng tỷ lệ lao động có chứng chỉ.

Tùng Dương