Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Giải bài toán thiếu hụt lao động qua đào tạo

- Thứ Tư, 22/12/2021, 16:15 - Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương không thể hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề đã đề ra. Để khắc phục hạn chế và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình dự thảo phê duyệt Chương trình Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030. Dự thảo có nhiều điểm mới, hướng tới đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình mới.

Số lao động qua đào tạo còn thấp

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dù Bộ đã có văn bản gửi tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo nghề, đa dạng các ngành nghề cần dạy cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phân bổ ngân sách, kinh phí đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Đào Trọng Độ nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc chậm phân bố đã khiến chất lượng lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp cải thiện rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu cách mạng công nghệ 4.0, kết nối thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Nguồn lực dành cho công tác đào tạo nghề còn thấp, việc đầu tư chỉ được thực hiện trong giai đoạn đầu. Từ năm 2016, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên không được đầu tư cơ sở vật chất, trong khi đây là lực lượng chính tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển của địa phương.
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển của địa phương.

"Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu địa phương báo cáo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê nhanh, con số đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các địa phương là rất ít. Số lao động được đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng chỉ khoảng 1,3 triệu lao động" -  ông Đào Trọng Độ nhấn mạnh.

Cần những chính sách đủ mạnh

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình dự thảo phê duyệt Chương trình Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030. Dự thảo có nhiều điểm mới, hướng tới đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình mới. Dự thảo đưa ra 3 điểm tiếp cận dạy nghề.

Đầu tiên, đề án nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng và ngày một nâng cao của lao động nông thôn. Đồng thời, gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.

Tiếp theo việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được chú trọng cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo, nhấn mạnh hơn tới chất lượng. Song song với đó, gắn với giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập và phát triển bao trùm; gắn đào tạo với thế mạnh của từng vùng, địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thí điểm đào tạo trình độ cao, trung cấp cao đẳng cho lao động nông thôn, gắn với doanh nghiệp.

Cuối cùng, đào tạo nghề phải tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi người, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động yếu thế. Đào tạo gắn với quá trình đô thị hóa, thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Về mặt chi phí, lao động tham gia học nghề được hỗ trợ phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Đồng thời, lao động được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp.

Dự thảo cũng đề cập tới việc bồi dưỡng nhà giáo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phương tiện cho cơ sở dạy nghề công lập để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường nội trú và trường chất lượng cao.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu cụ thể của đề án giai đoạn 2021 - 2025 là đào tạo cho khoảng hơn 5 triệu lao động nông thôn. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 1 - 1,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%.

Giai đoạn 2026 - 2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.

Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định phê duyệt đề án trong tháng 12.2021.

Tùng Dương