Giải “bài toán” việc làm trong trạng thái bình thường mới

- Thứ Hai, 27/09/2021, 15:46 - Chia sẻ
Trong 2 tuần trở lại đây, rất nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách để bảo đảm chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, ổn định sản xuất. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã lên phương án cụ thể và đã có nhiều lao động được đi làm trở lại. Nhiều chuyên gia nhận định, khi bệnh dịch được khống chế, nhu cầu tuyển dụng chắc chắn sẽ tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng có sự chuẩn bị tốt để tận dụng thời cơ, nhằm đưa thị trường lao động trở lại ổn định.

Chủ động tiếp cận doanh nghiệp

Để giải quyết việc làm cho những lao động trở về từ vùng dịch các cấp chính quyền địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đã làm cầu nối để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, không để ai phải khó khăn vì dịch. Đối với Thừa Thiên Huế, chỉ trong thời gian ngắn đã có 34 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc cho biết, sau khi khảo sát, nắm tâm tư nguyện vọng của lao động về từ vùng dịch, Sở đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương như tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với ngân hàng hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động; cập nhật các chương trình, chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Ngành may mặc ở Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng hàng ngàn lao động trở về từ vùng dịch
Ngành may mặc ở Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng hàng ngàn lao động trở về từ vùng dịch.

Cũng giống như Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức đón hơn 6.500 người dân về quê an toàn. Từ giữa tháng 8 đến nay, tỉnh triển khai các giải pháp để bố trí việc làm, giúp người dân về từ các vùng dịch.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trước tiên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiến hành rà soát các đối tượng, thuộc ngành nghề nào, lứa tuổi nào, phù hợp với công việc nào và nguyện vọng tìm kiếm việc làm như ra sao để có kế hoạch giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Qua đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để có công việc ổn định. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng làm việc với một số doanh nghiệp, kể cả trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất các sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để đưa các lao động phù hợp vào làm việc trong thời gian này. Nếu người dân có nguyện vọng vào lại miền Nam tỉnh vẫn sẽ tạo điều kiện để họ quay trở lại đó làm việc.

Kết nối cung cầu là yếu tố quyết định

Theo chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, để khôi phục thị trường lao động, cần thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt cần sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động và đào tạo nghề cho lao động.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, khi bước vào trạng thái “bình thường mới” sẽ có những khu vực phục hồi nhanh. Ví dụ như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi kiểm soát được dịch chỉ một vài tháng là đáp ứng được 95% nhu cầu lao động. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu và hiện giờ thế giới đã mở cửa. Những ngành nghề tham gia xuất khẩu nhiều sẽ dễ phục hồi và phát triển hơn. Thứ hai là những nhóm ngành nghề sử dụng lao động lao động kỹ thuật. Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi về mô hình tổ chức sản xuất cũng như là mô hình tổ chức lao động. Nếu làm tốt việc kết nối cung cầu thì sẽ đem lại lợi ích cho cả người tuyển dụng và lao động.

“Theo tôi, hiện nay trong quá trình mở cửa, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần vào cuộc, có thể làm phiếu khai báo về lao động. Dựa trên khai báo về lao động đó, khớp nối và song song đó là có khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Dựa vào đó giao cho hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động, tăng cường vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm. Bởi thông qua các kênh này, doanh nghiệp sẽ tìm được các lao động ở lĩnh vực mình đang cần, còn những lao động có tay nghề sẽ dễ dàng ứng tuyển vào các công việc mình đang có chuyên môn mà không cần phải mất thời gian đào tạo lại do trái ngành.” - TS. Nguyễn Thị Lan Hương tham mưu thêm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia khác, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội hoạt động bình thường trở lại, sản xuất kinh doanh được phục hồi, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất kịp tiến độ giao hàng cho đối tác, ký kết đơn hàng mới. Do đó, nhu cầu tuyển lao động sẽ có chiều hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo (may mặc, giày da, điện tử, sản phẩm gỗ...), bán sỉ, bán lẻ và thương mại, xây dựng và dịch vụ tư vấn. Các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cần chủ động nâng cao tay nghề cho người lao động để họ có thể thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, có cường độ cao. Việc dự báo thị trường, kết nối cung cầu chỉ phát huy hiệu quả khi lao động có chuyên môn và kỹ năng tốt, đáp ứng được yêu cầu của công việc.

-----------------------

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương