Giải ngân vốn vay rất chậm

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Đến 31.8, giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mới đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao. Sáng 13.9, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân. Đây là hội nghị thứ 2 trong năm nay về chủ đề này.

8 tháng mới đạt 10,7%

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại hội nghị “Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”, tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài một số năm gần đây rất chậm. Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137,1 nghìn tỷ đồng, đạt 74,53% dự toán Quốc hội giao.

Bước sang năm nay, 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 3,4% kế hoạch Quốc hội giao; đến 31.8 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn Quốc hội giao (60 nghìn tỷ đồng). Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Trong đó có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%).

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm thời gian qua tập trung vào các nhóm vấn đề: Vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.

“Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 1042/CĐ-TTg”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.


Toàn cảnh hội nghị Ảnh: Huy Thắng

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2019 là 6.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Hà Nội muốn giải ngân theo tiến độ

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản báo cáo chính thức Thủ tướng cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA của thành phố theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài. Lấy ví dụ về dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, ông Ngô Văn Quý cho biết, năm 2019 kế hoạch giao 3.274 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 8 mới giao được 1.104 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch. Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đến nay mới giải ngân đạt 5% kế hoạch. Cụ thể, năm 2019 được giao 393 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 8 mới giải ngân 18,4 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định 132/2018/NĐ - CP và Nghị định 16/2016/NĐ - CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng giao trong giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết 71/2018/QH14 của Quốc hội, bảo đảm trong phạm vi 2 triệu tỷ đồng, giảm vốn vay trong nước tương ứng với việc tăng vốn nước ngoài.

Hà Lan