Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII

Giải pháp căn cơ tạo chuyển biến

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:54 - Chia sẻ
Bằng trí tuệ và trách nhiệm, tại các phiên thảo luận Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, với 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, các đại biểu đề nghị, cần có giải pháp căn cơ để tạo chuyển biến trong năm 2022 tới.

Chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, tỉnh Hòa Bình cũng xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, làm ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống, khống chế dịch bệnh Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn 5/19 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân/người; tổng đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động; tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Theo các đại biểu, tỉnh cần phân tích, làm rõ một số nguyên nhân không đạt được trong các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, từ đó xây dựng các giải pháp tổng thể kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế. Vì để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9% trở lên sẽ rất khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại biểu Phạm Thanh Bình đánh giá, năm 2022 là mốc thời gian quan trọng đối với lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, cần quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo đà thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, toàn tỉnh cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chú trọng thực hiện các nội dung then chốt như đổi mới mô hình tăng trưởng, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, nắm bắt kịp thời các cơ hội để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế.

Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, để phấn đấu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9% trở lên, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường…

Đại biểu Phạm Thanh Bình (tổ đại biểu huyện Kim Bôi) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Ảnh: Trần Tâm 

Linh hoạt thực hiện chính sách hỗ trợ dịch Covid-19

Ngoài hiến kế các giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2022, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Các đại biểu cho rằng, hiện còn một số đối tượng tham gia phòng, chống dịch nhưng chưa được quy định hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ như: Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt/trạm kiểm soát dịch bệnh do tỉnh, huyện, xã lập; thành viên tổ Covid cộng đồng được cơ quan thẩm quyền huy động. Do đó, UBND tỉnh cần xem xét hỗ trợ cho tất cả các Tổ Covid cộng đồng, kể cả các tổ Covid cộng đồng được cấp có thẩm quyền thành lập ở những địa phương có dịch cấp độ 1 và 2.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Vân, đối với việc quy định mức chi trả chế độ hỗ trợ 1 triệu/tháng cho các tổ phòng, chống dịch Covid-19 theo phương thức cào bằng sẽ rất khó khăn khi triển khai thực hiện. Do đó, cần căn cứ trên mức độ dịch và số hộ dân của từng địa phương để quy định mức chi trả phù hợp; linh hoạt hơn trong quá trình quy định mức hỗ trợ tối thiểu, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc chi trả mức hỗ trợ cho Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đội ngũ tham gia phòng chống dịch; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo ngắn hạn cho người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Liên quan đến công tác giảm nghèo, đại biểu Sùng A Chênh đề cập đến các vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Mai Châu quan tâm. Trong đó, có dự thảo Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Đại biểu nêu rõ, năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, các dự án đầu tư cho đồng bào DTTS cũng bị ảnh hưởng. Thời gian tới, tỉnh cần sớm triển khai các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS, nhất là quan tâm đầu tư các công trình nước sạch, các dự án về an sinh xã hội, tạo sinh kế; chính sách hỗ trợ đặc thù dành cho các địa bàn đặc biệt khó khăn sau khi điều chỉnh đơn vị hành chính...

Riêng chỉ tiêu về mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều 3% vào năm 2022, một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh xem xét hạ xuống để chỉ tiêu này mang tính khả thi hơn. Bởi, với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hướng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Trần Tâm