Giải pháp cho phục hồi và phát triển kinh tế

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 10:45 - Chia sẻ
Theo số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Cụ thể, 8 tháng qua, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng đồng thời có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Trước bối cảnh khó khăn này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế. Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho từng bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Nhóm giải pháp thứ hai là đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi...  Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo, các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính được giao nhiệm vụ bảo đảm cân đối vật tư, hàng hóa quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống; hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Với các địa phương, Chính phủ yêu cầu sớm thống nhất với các doanh nghiệp về phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Trong việc lưu thông hàng hoá, Chính phủ yêu cầu các địa phương không tạo ra các loại giấy phép "con", các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn. Chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, hoàn thành trong tháng 9.

Bộ Giao thông - Vận tải ngay trong tháng 9 chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển và tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách.

Nhóm giải pháp cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Theo đó, trong tháng 9 này, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9 về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch. Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện quyết liệt "ngoại giao vaccine"; vận động, thúc đẩy đối tác cung cấp vaccine đúng cam kết về số lượng và thời hạn, sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy nhanh đàm phán, công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vaccine" với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng...

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, trong khi các nguồn lực dự trữ cho doanh nghiệp đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc nếu có thì phục hồi rất chậm. Do đó, những giải pháp này sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn trước mắt, đồng thời tạo tiền đề để phát triển về sau.

Ninh Khương