Bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị cao

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:12 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, các đại biểu cho rằng, để bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên trúng cử như mục tiêu đề ra cần phải có giải pháp đồng bộ với quyết tâm chính trị cao. Hội thảo đã cung cấp các kiến thức nền tảng về hoạt động của cơ quan dân cử, đồng thời nhấn mạnh sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên để cử tri lựa chọn và bầu làm người đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi mong muốn, các nữ ứng cử viên sẽ tự tin hơn khi tham gia ứng cử, vận động bầu cử thành công và sau khi trúng cử, sẽ là những đại biểu có bản lĩnh, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng dấn thân vào hoạt động nghị trường, tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả vào hoạt động của cơ quan dân cử các cấp, vì lợi ích của Nhân dân và đất nước. 

Vẫn còn rào cản vô hình

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp bảo đảm cho phụ nữ phát huy năng lực, bản lĩnh, nói lên tiếng nói của giới mình trong quá trình quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Tại Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong các cuộc bầu cử gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của 5 khóa gần đây dao động từ trên 24% đến trên 27%. Đối với HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ đại biểu nữ đã cao hơn nhiệm kỳ trước ở cả ba cấp song đều ở mức xấp xỉ 27%. So với thế giới, trong nhiệm kỳ Khóa X, Quốc hội Việt Nam xếp vị trí thứ 8 về tỷ lệ nữ nghị sĩ, đến Khóa XIII xếp thứ 39, đầu Khóa XIV xếp thứ 60 và hiện nay đứng thứ 72. So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 sau các nước trong khu vực như Đông Timor, Singapore, Philippines và Lào.

Để tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV và nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Đảng đã đặt ra (từ 35 - 40%) là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Đặt vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu thì một yếu tố hết sức quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên.

Thực tế, sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực, mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác. Trưởng ban Dân vận huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai Ro Châm H’Phik, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV chia sẻ, khó khăn lớn nhất với nữ ứng cử viên là định kiến giới. Các quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “nam trưởng, nữ phó” tồn tại trong xã hội vẫn là những rào cản vô hình đối với phụ nữ tham chính. 

Bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng hoạt động 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt khẳng định, trong thực tiễn hoạt động dân cử, các nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Trong quá trình tham gia hoạt động dân cử các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các vấn đề về bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân… được các nữ đại biểu đặc biệt quan tâm. Rất nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp, kiến nghị vừa tâm huyết, vừa sắc sảo, vừa khoa học của nữ đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về bình đẳng giới. 

Trong hoạt động giám sát, các nữ đại biểu Quốc hội đã có những phát hiện, ý kiến đóng góp, kiến nghị xác đáng đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ. Theo thống kê, trong Quốc hội Khóa XIV, các nữ đại biểu đã tích cực tham gia ý kiến đối với các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tham gia hoạt động chất vấn, với 87/276 lượt phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội về các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 554/1.754 ý kiến nữ đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn Chính phủ và thành viên Chính phủ (tỷ lệ lần lượt là 31,52% và 31,58%).

Trong quá trình tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách, chủ trương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm… các nữ đại biểu luôn quan tâm, xem xét đến tác động giới của những quyết sách, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, nhất là trong phân bổ ngân sách. Nhiều kiến nghị của đại biểu nữ về việc dành nguồn lực cho nhóm yếu thế, cho việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội cho phụ nữ, trẻ em, người nghèo và nhóm yếu thế, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh… đã được nghiên cứu tiếp thu đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Với những nỗ lực, cố gắng trong hoạt động dân cử của mình, các nữ đại biểu dân cử đã có nhiều đóng góp cho công tác bình đẳng giới, cũng như các lĩnh vực khác. Thông qua sự đóng góp quan trọng này, hình ảnh và vị thế của nữ đại biểu dân cử ngày được khẳng định và nâng cao trong lòng cử tri, góp phần quan trọng thay đổi cách nhìn về việc phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực này.

Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, cho biết, lần đầu tiên được giới thiệu ứng cử nên không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, dù được đào tạo và có kinh nghiệm công tác trong một lĩnh vực chuyên môn nhưng hoạt động dân cử đòi hỏi người đại biểu phải am hiểu nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống của cử tri và những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Đó cũng là e ngại chung của nhiều nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khi ngày bầu cử 23.5 đã cận kề. Chính vì thế, Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới” càng có ý nghĩa thiết thực giúp các nữ ứng cử viên trang bị thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là những kiến thức về hoạt động của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội, việc quyết định các vấn đề về ngân sách tài chính cũng như những vấn đề về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội mà cử tri thường quan tâm… Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động dân cử, hội thảo còn tạo điều kiện cho các nữ ứng cử viên thực hành, nâng cao các kỹ năng cơ bản trong tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử nhằm đạt mục tiêu trúng cử.

Nhật An