Giải pháp khôi phục chuỗi lao động hậu Covid-19

- Thứ Năm, 28/10/2021, 21:19 - Chia sẻ
“Thất nghiệp tăng nhưng doanh nghiệp lại khát lao động” - Đây là nghịch lý khá phổ biến hiện nay, nhất là tại vùng tâm dịch Covid-19. Để góp phần giải quyết tình trạng này, các đại biểu dự Tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức cho rằng, muốn bảo đảm được nguồn nhân lực, cần có chính sách về lao động nhập cư; chính sách xã hội và an sinh xã hội; y tế phòng, chống dịch và thích ứng đào tạo; đào tạo lại nguồn nhân lực…
Giờ thực hành của trường Cao đẳng nghề Việt Hàn
Ảnh: Thái Bình

Thiếu hụt cả về lượng và chất

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất điện tử, đặc biệt khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đến ngày 21.10, dù khu vực này đã tạm thời kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu bình thường mới các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp này mới thu hút được khoảng hơn 60% lao động quay trở lại làm việc. Nguyên nhân chính được cho là do tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp như Samsung (Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh) dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11 rất chật vật với vấn đề nhân lực.

Một khó khăn nữa là chất lượng tay nghề của lao động Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết, doanh nghiệp khi tuyển công nhân đều phải đào tạo lại và mất ít nhất 1 tuần đến 1 tháng với lao động giản đơn; còn với công nhân chính phải mất vài tháng hoặc cử ra nước ngoài để đào tạo lại.

Chia sẻ về khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho biết, đợt dịch vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa; 700 nhà máy thực hiện hoạt động 3 tại chỗ nhưng cũng khó khăn vô cùng do phải chi phí chỗ ăn, ở cho công nhân. Đến nay, dù 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới nhưng mới có khoảng 70% lao động trở lại làm việc.

Thông tin thêm về tình hình lao động, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch Covid-19 đã khiến khoảng 2 triệu lao động bị mất việc và ngừng việc. Đến nay, có khoảng 60% doanh nghiệp bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, ngay trong tháng 10, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9 nghìn lao động; 60 nghìn lao động trong quý IV cho tất cả các ngành nghề, nhất là nghề may mặc, da giày và chế biến thực phẩm…

Ít nhất có 2 phương án

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết, để khôi phục lại thị trường lao động hậu Covid-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án: Một là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Hai là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Đối với phương án 1, đưa 500 nghìn học sinh, sinh viên cơ bản (tương đương năm thứ nhất, thứ hai); 500 nghìn học sinh, sinh viên thành thạo (tương đương năm cuối) vào làm việc tại doanh nghiệp. Hiện, khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200 nghìn học sinh, sinh viên, trong đó có 80 nghìn em ở 8 nhóm ngành nghề (Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Sản xuất chế biến sợi, vải giày da; Công nghệ kỹ thuật cơ khí...) đang học năm cuối hệ trung cấp, cao đẳng có nhu cầu thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp. Đối với phương án 2, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ cho người lao động…

“Tuy mỗi phương án sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định, song đều có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thiếu hụt lao động hậu Covid-19 hiện nay. Đồng thời, bảo đảm được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên, kịp thời cung ứng lao động cho doanh nghiệp” - TS. Vũ Xuân Hùng phân tích.

Chia sẻ về các giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động, Trưởng phòng Đặng Minh Sự cho biết, địa phương đã có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, giúp người lao động ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid-19... và các tỉnh nên có kế hoạch hỗ trợ đưa lao động ở các tỉnh có nhu cầu quay lại thành phố làm việc. Đặc biệt, đối với các lao động không muốn làm lại công việc cũ khi quay trở lại thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giới thiệu việc làm nên phối hợp để bồi dưỡng, đào tạo, tư vấn việc làm cho lao động.

Ở góc nhìn chính sách, PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, một trong yêu cầu quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Muốn vậy, cần phải có 4 chính sách, cụ thể là chính sách về lao động nhập cư; chính sách xã hội và an sinh xã hội; y tế phòng, chống dịch và thích ứng đào tạo; đào tạo lại nguồn nhân lực.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Thế Cường, phụ trách đào tạo nhân lực Tập đoàn Mường Thanh mong muốn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp thị ngành nghề đào tạo cho doanh nghiệp, thậm chí phải gợi mở nhu cầu để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và nhanh chóng ra quyết định.

Đồng quan điểm với nhiều ý kiến thảo luận, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, muốn thiết kế được chính sách khả thi, thì phải rõ đối tượng, rõ cầu - cung và bảo đảm tính kịp thời, phù hợp. Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch là một ví dụ cho tính kịp thời, phù hợp; song, cần phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ hơn nhất là về cơ chế tài chính để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Trong bối cảnh này, TS. Trương Anh Dũng cho rằng, doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề, cơ sở giáo giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp để giúp học sinh, sinh viên thực hành; cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thái Bình