Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam: Chinh phục khán giả trong nước trước khi xuất ngoại

- Thứ Ba, 19/10/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nhiều giải pháp đã được các nhà làm phim, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước đưa ra tại hội thảo Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam trong khuôn khổ LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, chiều qua, 18.10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong đó, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định: không nền điện ảnh nào không phát triển được ở đất nước nó sinh ra, lại có thể phát triển ở nước ngoài.

04-Chinh-phuc-29210-300.jpg

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, một số văn bản pháp quy, đặc biệt là sự ra đời của Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích các hoạt động sản xuất và phổ biến phim phát triển theo hướng xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh trong điều kiện Việt Nam đang diễn ra quá trình đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh: “Trong 10 năm qua, có thể nhận thấy thay đổi như: từ 5 hãng phim quốc doanh tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, đến nay đã có thêm hơn 40 hãng phim tư nhân và các tổ chức xã hội khác quản lý, nhiều cụm rạp hiện đại tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng; số người đến rạp chiếu phim từ năm 2003-2008 tăng gấp hơn 2 lần. Việc xã hội hóa trong sản xuất phim đã đạt khoảng hơn 50% về số lượng phim, trong phổ biến phim con số ấy còn cao hơn...”

Tuy vậy, với số phim được sản xuất hàng năm khoảng trên dưới 10 bộ phim trong suốt thập niên qua chưa thực sự phù hợp với một thị trường điện ảnh có hơn 86 triệu dân. Trở lại cuối thập kỷ trước, có năm điện ảnh Việt Nam đã sản xuất được hơn 20 bộ phim, thậm chí năm 1992 là hơn 30 bộ phim. So sánh với Malaysia, một nước có 25 triệu dân nhưng mỗi năm đã sản xuất được 25 bộ phim, thì 10 bộ phim của điện ảnh Việt Nam so với 86 triệu dân là rất thấp. Hơn nữa, trong số đó, chưa có nhiều phim được khán giả đón nhận.

Thực trạng đó do nhiều yếu tố. Trong vài năm gần đây, thị trường phim truyền hình ở Việt Nam mở rộng, tạo lực hút lớn với đội ngũ làm phim truyện điện ảnh. Bên cạnh đó, đội ngũ sản xuất phim truyện còn mỏng và yếu. Theo nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Lưu Trọng Hồng: đội ngũ sản xuất phim truyện chỉ tập trung tại các hãng phim của Bộ VH, TT và DL, còn các hãng phim khác, khi cần sản xuất phim truyện, đặc biệt là phim truyện nhựa, thì thuê các nhân vật chủ chốt, như đạo diễn, quay phim, họa sỹ... ở các hãng phim này. Với số lượng phim truyện trong vài năm gần đây và vài ba năm tới, có thể thấy, nguồn nhân lực làm phim đang vừa thừa vừa thiếu, thừa người tay nghề yếu, thiếu người có tay nghề đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đạo diễn, giám đốc sản xuất phim... Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một hạ tầng cơ sở để thỏa mãn công việc làm phim và nhu cầu sáng tạo của nghệ sỹ; chưa có một thị trường điện ảnh đa dạng và ổn định... Ngoài ra, số phim ngoại nhập tăng mạnh, với tỷ lệ 150 phim ngoại/10 phim nội, nên thị trường phim nội càng thêm khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia lân cận, để phát triển điện ảnh, phải tìm ra giải pháp đột phá để tập trung giải quyết trong một thời gian nhất định, từ đó sẽ có tác động toàn bộ đến hệ thống giải pháp phát triển điện ảnh. Ví dụ, điện ảnh Hàn Quốc đã vượt qua khủng hoảng nhờ xóa được luật kiểm duyệt phim hà khắc từ thời quân phiệt để lại. Điện ảnh Thái Lan từ chỗ sản xuất hàng trăm bộ phim tụt xuống còn 7 phim trong năm 2000 đã được chính phủ cứu nguy kịp thời nhờ giải pháp đột phá là cử hàng loạt cán bộ sang học tập ở Hollywood, và mời chuyên gia giỏi vào Thái Lan sản xuất phim. Tuy vậy, các biện pháp đó khó có thể áp dụng với Việt Nam, do nước ta không chỉ khó khăn trong sản xuất phim, mà cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng đều yếu kém. Nhiều người cho rằng, nếu tập trung vào khâu đào tạo cán bộ, thì sau 5 - 10 năm, sẽ sản xuất được nhiều phim và chất lượng cao hơn, nhưng lấy đâu ra rạp để chiếu? Nếu tập trung xây dựng rạp, đầu ra của điện ảnh, nhưng sau khi đầu tư được nhiều rạp thì có đủ phim để chiếu không, hay chỉ mua phim nước ngoài về chiếu? Từ những vấn đề đó, theo ông Lưu Trọng Hồng, cần có giải pháp đột phá gồm 3 gói đầu tư của nhà nước: mỗi năm cần tập trung làm 2 - 3 bộ phim có chất lượng để đáp ứng nhu cầu khán giả trong và ngoài nước; trong 3 - 5 năm tới, đầu tư 14 rạp chiếu bóng hiện đại có quy mô vừa và nhỏ ở các tỉnh và trung tâm chiếu phim quốc gia ở TP Hồ Chí Minh; trong 10 năm tới, gửi khoảng 80 - 100 cán bộ mũi nhọn ra nước ngoài đào tạo, tập trung vào chức danh đạo diễn, quay phim, giám đốc sản xuất, kỹ sư âm thanh... phục vụ sản xuất phim và học tập. Cũng có ý kiến cho rằng, cần tăng cường quảng bá phim Việt Nam ra nước ngoài, đưa điện ảnh Việt Nam tham dự các LHP quốc tế và khu vực... từ đó sản xuất phim Việt Nam mới có thể phát triển.

Tuy vậy, theo đạo diễn Lê Hoàng: đầu tư của nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện nay đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh không phải thấp mà chưa phát huy được hiệu quả. Nhà nước nên tập trung đào tạo nhân lực, vì đào tạo cần kinh phí rất lớn, còn xây dựng rạp và làm phim thì để tư nhân làm. Việc quảng bá phim Việt Nam cũng cần thiết, nhưng quan trọng nhất là phim Việt Nam được nhân dân trong nước đánh giá cao. Không có nền điện ảnh nào không phát triển được ở đất nước nó sinh ra, lại có thể phát triển ở nước ngoài. Nếu không làm cho người Việt Nam mua vé, chứ không phải cầm vé mời, thì sẽ không thể tồn tại. Để được như vậy, phim truyện trong nước cần phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả, cụ thể là người trẻ, lực lượng chiếm phần đông trong số khán giả của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Lê Thủy