Thủ đô từng bước phục hồi, thích ứng với tình hình mới

Giải quyết bài toán giao thông thủ đô

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:59 - Chia sẻ
Với vị trí, vai trò là thủ đô, Hà Nội đang đóng góp trên 16% GDP, 18.5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8.6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, chính vì vậy việc thực hiện và đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, kết nối vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
	Trung tâm điều khiển giao thông thành phố đang mang lại hiệu quả cao, giám sát và xử lý nhiều vấn đề nhanh chóng Nguồn: VCEA
Trung tâm điều khiển giao thông thành phố đang mang lại hiệu quả cao, giám sát và xử lý nhiều vấn đề nhanh chóng
Nguồn: VCEA

Thực trạng điểm nghẽn tại thủ đô

“Giao thông được ví là "mạch máu" của đời sống kinh tế, xã hội. Nếu máu chảy chậm, huyết áp tụt xuống, sức khỏe nền kinh tế chắc chắn sẽ yếu đi”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét. Hiện nay, 7 tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh được xem là bộ khung của Vùng Thủ đô trong mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Thực tế cho thấy, 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên) đều lấy thủ đô làm tâm, hướng tâm vào vành đai 3 Hà Nội. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, việc quá cảnh Hà Nội chủ yếu thông qua Vành đai 3. Mà tuyến đường này đã thực sự quá tải với mật độ lưu lượng giao thông rất lớn, cao gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. Dẫn đến hình thành những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô.

Hà Nội đang là địa phương chịu nhiều áp lực nhất trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô với vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông. Qua đợt giãn cách từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, khi buộc phải hạn chế lưu thông, hàng hóa, phương tiện ùn ứ hầu hết các cửa ngõ ra vào thành phố, tác động trực tiếp tới 10 tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Với lưu lượng phương tiện cũng như vai trò trung tâm trong hoạt động vận tải liên tỉnh, việc sớm xây dựng đường Vành đai 4 là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm giảm tải áp lực trên đường Vành đai 3. Có thể coi việc xây dựng đường Vành đai 4 như xương sống của hệ thông giao thông Vùng Thủ đô khi kết nối 7 tuyến cao tốc hướng vào Hà Nội, có khả năng phân luồng từ xa, kết nối hiệu quả 4 hành lang kinh tế.

Xây dựng giao thông thông minh

Giao thông thông minh có vai trò tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước (tăng mức độ chính xác, kịp thời, giảm nhân sự, chi phí...), đồng thời cải thiện môi trường giao thông (bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm tai nạn, giảm phát thải từ giao thông).

Triển khai thực hiện hệ thống giao thông thông minh còn là công cụ giúp Hà Nội định hướng triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ gia tăng, để từ đó tối ưu hóa, đồng bộ hóa việc đầu tư, tạo khả năng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cho phép các ứng dụng mới tái sử dụng các thành phần đã được phát triển trước đó trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở đang xây dựng dự thảo đề án phát triển giao thông thông minh, ưu tiên triển khai 6 nhóm dịch vụ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường giao thông mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn thủ đô. Thành phố cũng đã triển khai lắp đặt hơn 400 camera giám sát tại 200 nút giao thông kết nối với Trung tâm Điều hành giao thông của Công an thành phố. Việc ứng dụng giao thông thông minh sẽ giúp người tham gia giao thông an toàn hơn, tự động hóa việc vận hành, giảm phí nhiên liệu cũng như giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất vận tải.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự kiến đề xuất UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh vào quý IV.2021; lập và phê duyệt đề án trong quý I và quý II.2022; xây dựng và phê duyệt Kế hoạch triển khai đề án vào quý IV.2022. Dự kiến, việc thực hiện các chương trình, dự án bắt đầu từ năm 2023.

Văn Anh