Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh)

Giải quyết kiến nghị cử tri ngay từ cơ sở

- Thứ Năm, 23/09/2021, 08:27 - Chia sẻ
Việc tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri ngay từ cấp cơ sở là chủ trương đúng đắn, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Đó là chia sẻ của Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh TRẦN ĐÌNH GIA với phóng viên Báo điện tử ĐBND.

- Thưa ông, giải quyết kiến nghị của cử tri phải trên tinh thần rõ ràng, nói là làm, làm có kết quả và khảng định vai trò của ĐBQH, niềm tin của  Nhân dân ?

- Việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý kiến nghị của cử tri là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Thông qua hoạt động này, đại biểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân, kịp thời gửi đến các cơ quan Trung ương và địa phương, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri. Làm tốt nhiệm vụ này là nền tảng để khẳng định vị trí của cơ quan dân cử, phát huy vai trò, vị thế của đại biểu dân cử.

Việc giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri sẽ góp phần ổn định an ninh chính trị tại các địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu trên hội trường Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia phát biểu tại hội trường

- Trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp nhận, tổng hợp hàng nghìn kiến nghị của cử tri. Ông suy nghĩ như thế nào về phân loại và tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri ngay từ cấp cơ sở?

- Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư trực tiếp, trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đây được xem là các kênh thông tin quan trọng để phát huy tiếng nói của Đoàn ĐBQH, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân.

Các kiến nghị của cử tri thuộc nhiều lĩnh vực, cấp độ, thẩm quyền khác nhau, kiến nghị thuộc cấp nào, ngành nào thì cấp đó, ngành đó giải quyết. Và việc tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri ngay từ cấp cơ sở là chủ trương đúng đắn, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

- Hà Tĩnh được đánh giá là một trong điểm sáng về tiếp nhận, xử lý và giải quyết các kiến nghị của cử tri tại chỗ. Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm?

- Có thể nói, trong những năm gần đây, cùng với sự tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân. Với Hà Tĩnh việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu thông qua hoạt động tiếp công dân và hoạt động tiếp xúc cử tri.

Đối với hoạt động tiếp công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên duy trì chế độ tổ chức tiếp công dân định kỳ với cơ chế "hai trong một", người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền địa phương cùng tiếp công dân theo Quy định số 02-QĐ/TU ngày 27.5.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên chú trọng việc tổ chức đối thoại với công dân theo Quyết định số 657-QĐ/TU ngày 4.4.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn luôn quan tâm, đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung lẫn hình thức. Các hình thức TXCT đa dạng hóa như: tiếp xúc cử tri tận cơ sở, tiếp xúc chuyên đề, lấy ý kiến bằng văn bản…. Thành phần mời cũng được Đoàn chú ý lựa chọn các sở, ban, ngành phù hợp, có trách nhiệm để có thể tiếp thu, giải trình ngay tại các cuộc TXCT đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.

Những nội dung còn lại, Đoàn giao bộ phận văn phòng rà soát, tổng hợp và kiến nghị bằng văn bản gửi các cơ quan Trung ương và địa phương một cách chi tiết, cụ thể, rõ người, rõ việc. Ở các bước tiếp theo, Đoàn ĐBQH tỉnh theo dõi, đôn đốc, giám sát việc các cơ quan, tổ chức trả lời cử tri. Sau khi nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan liên quan, Đoàn đánh giá chất lượng trả lời, kịp thời thông báo kết quả đến cử tri. Hầu hết các kiến nghị cơ bản trả lời kịp thời, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

- Từ góc độ địa phương, ông thấy công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết các kiến nghị của cử tri cần điều chỉnh những vấn đề gì cho phù hợp?

- Thời gian qua, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết các kiến nghị cử tri đã có nhiều kết quả tích cực và nổi bật. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải khắc phục.

Đối với hoạt động TXCT, hiện nay chưa có luật cho hoạt động TXCT, do đó cần rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động TXCT, xem xét, ban hành Luật Hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và HĐND.

Cần làm rõ vai trò, chế định xử lý của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết đơn thư, kiến nghị cử tri, đáp ứng yêu cầu dân chủ, đổi mới, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả hoạt động tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở. Đồng thời hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống lưu trữ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân giữa các cơ quan Trung ương với nhau và địa phương, đảm bảo việc theo dõi, quản lý một cách thống nhất và chặt chẽ.

-Xin cảm ơn ông!

Nam Anh