Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6

Giải quyết ô nhiễm từ nhựa và nilon

- Thứ Ba, 05/06/2018, 08:32 - Chia sẻ
Hôm nay, ngày 5.6, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Lễ Mít tinh Ngày Môi trường Thế giới với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về sự kiện này, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường NGUYỄN VĂN TÀI nhấn mạnh: Đây là cơ hội để tất cả chúng ta cùng hành động, giải quyết ô nhiễm chất thải từ nhựa và nilon - Nếu không thể tái chế hãy từ chối sử dụng!

- Mỗi năm Liên Hợp Quốc lại đưa ra một chủ đề về Ngày môi trường thế giới. Chủ đề năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam, thưa ông?

- Ngày môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường và được tổ chức vào ngày 5.6. Ngày môi trường thế giới là ngày dành cho tất cả mọi người ở bất cứ đâu hành động vì môi trường. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1972, cộng đồng toàn cầu đã tổ chức hàng nghìn hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh.

Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” sẽ được tổ chức vào ngày 5.6, tại Ấn Độ nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày như thế nào để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên. Mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon. 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần. Gần một phần ba túi nilon chúng ta sử dụng không được thu gom và xử lý, do đó làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, đe dọa hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn. Trước những thách thức lớn về môi trường, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là chống lại ô nhiễm chất thải nhựa. Theo đó, thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định được chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng này.

- Thực tế, nhiều năm qua Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu gom, xử lý ô nhiễm từ rác thải nhựa và túi nilon, thưa ông?

- Đúng vậy, theo thống kê sơ bộ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 2 - 5 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về rác thải nhựa, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, mỗi ngày thải ra khoảng 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm từ 7 - 8% và tăng theo từng năm.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của KT - XH khiến lượng rác thải, trong đó có rác thải nhựa và nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ, do vậy, kiểm soát rác thải nhựa và nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách. Mặt khác, sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Đây là thách thức lớn trong việc quản lý, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa và nilon.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ triển khai những biện pháp gì để quản lý chất thải nilon tại Việt Nam, thưa ông?

- Như tôi đã đề cập, rác thải nhựa và nilon đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ ban hành nhiều giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể như Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582 phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mới đây, ngày 7.5.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491 Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa. Đồng thời, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng  thay thế sản phẩm từ nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường. Đặc biệt, Bộ cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng đến sản phẩm thân thiện môi trường.

- Nhân Ngày Môi trường thế giới, ông có mong muốn chia sẻ điều gì để công tác bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn?

- Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để tất cả chúng ta cùng hành động giải quyết ô nhiễm chất thải từ nhựa và nilon - Nếu không thể tái chế hãy từ chối sử dụng!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

NHẬT ANH thực hiện