Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Giải quyết tối đa rác thải nhựa

- Thứ Năm, 07/10/2021, 05:36 - Chia sẻ
Rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm giải quyết vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã quy định kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nhựa, từ khâu sản xuất, nhập khẩu và khuyến khích sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chỉ khoảng 12% rác thải nhựa được xử lý

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trung bình là 15%/năm, đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó, sản phẩm nhựa bao bì (các loại túi ni lông, chai lọ nhựa, bao bì hàng hóa…) chiếm 36%; nhựa vật liệu xây dựng, đồ gia dụng và các loại dành cho ngành công nghiệp điện tử, điện, giao thông vận tải lần lượt chiếm khoảng 16%, 36% và 12% tương ứng. Cùng với sự gia tăng các sản phẩm nhựa đã kéo theo lượng lớn rác thải nhựa (RTN) thải ra môi trường, gây tác hại cho môi trường và hệ sinh thái, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, bởi RTN có đặc tính bền, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Chỉ tính riêng 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông khó phân hủy. Điều đáng nói là với lượng RTN thải ra môi trường lớn như vậy, nhưng việc phân loại, thu gom, tái chế và xử lý RTN còn hạn chế, chỉ có khoảng 11 - 12 % lượng RTN, túi ni lông được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra môi trường. Trong khi, RTN phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại, thu gom thường mang tính tự phát ở quy mô hộ gia đình. Nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất đa phần được thu gom rồi bán cho cơ sở tái chế. RTN và túi ni lông được thu gom từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng được vận chuyển và xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm RTN và túi ni lông khó phân hủy chủ yếu được thực hiện bằng biện pháp chôn lấp; hoạt động tái chế RTN diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhỏ, có vốn đầu tư hạn chế, công nghệ lạc hậu, lỗi thời… nên hiệu quả chưa cao. Nhựa phế liệu chủ yếu được tái chế thành hạt nhựa và các sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất, tuy nhiên, do phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa tốt nên giá trị thu hồi thấp. Cùng với đó, nhận thức của người dân về tác hại của RTN, cũng như phân loại rác còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải tại Việt Nam.

Khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý RTN, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định các điều kiện chặt chẽ hơn nhằm giảm nguy cơ mất kiểm soát đối với phế liệu nhựa sau khi nhập khẩu gây hại cho môi trường. Cụ thể, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về BVMT; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu; có giấy phép môi trường; ký quỹ BVMT theo quy định trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác. Đặc biệt, có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về BVMT.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đã có quy định cụ thể về việc tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa nhằm hạn chế phát sinh RTN ra môi trường. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 còn quy định khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đã có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân này có thể lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong hai hình thức, tự mình tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì và đóng góp tài chính vào quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

“Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức đóng góp tài chính thì việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì. Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại Khoản 1 điều này. Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.

Nhật Anh