Bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh

Giải quyết tranh chấp nhanh hơn, hiệu quả hơn

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:22 - Chia sẻ
Theo quy định của pháp luật, một vụ án thương mại điển hình cần 44 thủ tục khác nhau, mất khoảng 420 ngày từ khi làm thủ tục đến khi thi hành án. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp phải mất từ 3 - 5 năm. Khi mất quá nhiều thời gian giải quyết tranh chấp, dù doanh nghiệp bị chiếm dụng, bị nợ rõ ràng thì họ cũng đang mất thêm rất nhiều chi phí, cả chi phí việc đòi lại quyền của mình, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh. Do vậy, để bảo đảm liêm chính tư pháp, trước hết phải thúc đẩy thời hạn giải quyết tranh chấp thương mại nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Quy định 420 ngày nhưng doanh nghiệp phải mất từ 3 - 5 năm

Tại Hội thảo Phân tích, so sánh các cơ chế bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu cho biết, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động không ngừng tăng lên với mức độ, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng hơn.

Ở nước ta, với việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thì các loại khiếu kiện, tranh chấp kinh doanh có yếu tố nước ngoài cũng phát sinh nhiều hơn. Vì thế, yêu cầu về một nền tư pháp mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và liêm chính, bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo các đại biểu, phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ những điều kiện pháp lý tốt nhất theo hướng khách quan, minh bạch, qua đó, góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mục tiêu này cũng phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước về một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Những năm gần đây, vai trò, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có những chuyển biến rất tích cực. Tuy vậy, ở mức độ nhất định, vai trò của tư pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Xuất pháp từ thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp thương mại, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nêu rõ, hai năm trước, VCCI đã chọn ra 30 doanh nghiệp điển hình để khảo sát quy trình giải quyết các vụ án, từ đó chỉ ra quy trình nào dễ xảy ra tham nhũng, nhũng nhiễu nhất. Trước hết, đó là về thời gian. Theo quy định của pháp luật, một vụ án điển hình cần 44 thủ tục khác nhau, mất khoảng 420 ngày, từ khi làm thủ tục đầu tiên đến khi thi hành án. Nhưng trên thực tế, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải mất thời gian rất dài, có khi từ 3 - 5 năm. Thời gian thực tế rất khác với thời gian thiết kế trên quy trình. Điều đó có nghĩa là, đánh giá liêm chính tư pháp phải xuất phát từ thời gian vận hành trên thực tế chứ không chỉ rà soát trên văn bản. Khi doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian giải quyết tranh chấp, dù họ bị chiếm dụng, bị nợ rõ ràng cũng có nghĩa là họ đang mất thêm rất nhiều chi phí, cả chi phí việc đòi lại quyền của mình. Điều này tác động rất lớn, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh.

Dẫn chứng thêm, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, doanh nghiệp muốn giải quyết tranh chấp nhanh, nhưng từ quá trình nhận đơn đã nhiều khâu, nhiều thủ tục. Ví dụ như xác nhận đăng ký kinh doanh mới nhất, hay làm sao biết được đây là trụ sở chính của doanh nghiệp (dù tài liệu đã có, thông tin đã công khai), nhưng nguyên đơn vẫn phải về phường lấy giấy xác nhận; trừ khi doanh nghiệp “biết điều”, "bôi trơn" thì rất nhanh. Hay tình trạng chậm trễ trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạo cơ hội cho bị đơn có điều kiện tẩu tán tài sản… Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, sự nhũng nhiễu cũng rất phong phú như cố tình kéo dài thời hạn vụ án với nhiều cách thức khác nhau, đình chỉ vụ án không rõ căn cứ pháp luật. Trong giai đoạn xét xử thì bỏ qua, không xem xét tài liệu, vòi tiền…

Minh bạch thông tin, đơn giản quy trình

Khẳng định, cải thiện được thời gian giải quyết vụ án sẽ tác động tích cực, giảm chi phí giải quyết tranh chấp, giảm tiêu cực trong tố tụng, Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự Nguyễn Hưng Quang thông tin, các nước như Singapore, Malaysia và Đức đang triển khai công nghệ thông tin trong giải quyết vụ án và trong hoạt động của Tòa án để có thể rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm của các nước này cho thấy, Tòa án Nhân dân các cấp cần có biện pháp mạnh mẽ trong việc tăng cường quản lý thời hạn của từng bước, từng giai đoạn tố tụng của mỗi vụ án, bao gồm: Nâng mức chế tài đối với Thẩm phán để án quá hạn, công khai thông tin về các hoạt động giải quyết vụ án của Tòa án và các bên tham gia tố tụng, phân công án phù hợp với năng lực và kinh nghiệm giải quyết vụ án của Thẩm phán. Ngoài ra, việc công khai các hoạt động giải quyết vụ án của tòa án sẽ giúp cho việc quản lý các thời hạn tố tụng được tốt hơn, nâng cao tính minh bạch của hoạt động Tòa án mà không ảnh hưởng tới tính bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh của các bên đương sự.

Được biết, hệ thống tòa án của Singapore, Maylaysia, Đức đã công khai rất nhiều thông tin trong quá trình hoạt động trên cổng thông tin điện tử của các tòa án; giúp cho hoạt động của tòa án trở nên minh bạch hơn, dễ tiếp cận hơn cho người dân trong thời đại công nghệ thông tin phát triển; giúp hệ thống tòa án trở nên “gần dân” hơn. Do đó, “Tòa án Nhân dân các cấp ở nước ta cũng nên nâng cao hiệu quả các phương thức công khai thông tin theo phương thức truyền thông và trực tuyến để người dân, doanh nghiệp có thể hiểu biết rõ hơn quy trình tố tụng và những cải cách, thay đổi của ngành tòa án liên quan đến hoạt động tố tụng, như thông tin về lịch biểu giải quyết vụ án hoặc lịch xét xử, tỷ lệ giải quyết vụ án, tỷ lệ về tồn đọng, công khai các bản án”, Luật sư Nguyễn Hưng Quang đề nghị.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, nên chăng Tòa án có thể nhận đơn trên mạng, để đơn giản hóa quy trình, giảm sự tiếp xúc công chức Tòa án với doanh nghiệp. Mặt khác, phân công án ngẫu nhiên cũng có thể làm giảm tham nhũng trong hệ thống tư pháp.

Đáng lưu ý hơn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giải pháp hữu hiệu là cần bổ sung tiêu chí giải quyết án nhanh, hiệu quả làm tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực Thẩm phán. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian giải quyết án trên thực tế.

Anh Thảo