Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

Giải trình rõ hơn, thuyết phục hơn

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:18 - Chia sẻ
Tại Phiên họp chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê tiếp tục hoàn thiện lại dự luật này bởi nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung chưa có đủ cơ sở, chưa thuyết phục cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Chưa làm rõ căn cứ giữ hay bỏ các chỉ tiêu  

Qua 5 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy tác dụng, cung cấp thông tin thống kê cho việc đánh giá, dự báo tình hình hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Luật đã phát sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. 

Quan điểm sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã xác định rõ: Nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu thống kê phản ánh xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới liên quan đến môi trường, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, các nhóm yếu thế trong xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển khu vực tư nhân... 

Tuy nhiên, theo đánh giá tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù Danh mục mới dự kiến lên tới 215 chỉ tiêu nhưng lại vẫn thiếu vắng các chỉ tiêu phản ánh thực tiễn vận động kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Đối chiếu với các mục tiêu được đưa ra khi sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành, thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, cần nghiên cứu, bổ sung nhóm chỉ tiêu thống kê liên quan đến đóng góp của các thành phần kinh tế; chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; các thị trường yếu tố sản xuất (nguồn lực đầu vào của đầu tư, sản xuất, kinh doanh)... để đánh giá tình hình phát triển, mức độ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó là cơ sở để Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về tính hợp lý, thuyết phục của các chỉ tiêu được đề nghị giữ nguyên không cần sửa đổi, bổ sung; chỉ tiêu sửa tên không làm thay đổi nội hàm, nội dung; chỉ tiêu sửa tên, thay đổi cả nội hàm, nội dung; chỉ tiêu bổ sung mới. Trong 11 chỉ tiêu được cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ như chỉ tiêu về GDP xanh, chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị... theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng chưa làm rõ được căn cứ đề xuất bỏ nên chưa thuyết phục. Do đó, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị phải làm rõ chỉ tiêu nào không còn ý nghĩa, không còn phù hợp, chỉ tiêu nào cần thiết nhưng không có đủ nguồn thông tin, thiếu nguồn lực thực hiện để có giải pháp khắc phục thay vì đề xuất hủy bỏ. 

Khác vài chữ nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau

Xem xét một số chỉ tiêu thống kê quốc gia được đề nghị sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra một số lưu ý trong sử dụng tên gọi, mức độ phản ánh vận động thực tế của ngành, lĩnh vực. Cụ thể, cách tính chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) được đưa ra còn khác với cách tính của Tổ chức Năng suất châu Á. Chỉ tiêu “năng suất lao động xã hội” vốn nghe quen với chúng ta lâu nay nhưng quốc tế không sử dụng khái niệm này mà là khái niệm năng suất lao động. Do đó, việc sửa đổi như thế nào phải bảo đảm tính tương thích với quốc tế.

Phân tích về nhóm chỉ tiêu phản ánh kinh tế số (21 chỉ tiêu), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, thực chất mới phản ánh thực trạng công nghệ thông tin, như nhận định của một số chuyên gia “chưa phản ánh thực trạng công nghệ số”. Bởi, chỉ tiêu số hộ dân có máy tính không được quan tâm trên thế giới, thay vào đó là quan tâm tỷ lệ hộ gia đình có máy tính kết nối mạng. Máy tính không kết nối mạng thì không thể kết nối số hay tham gia vào nền kinh tế số được. Dù chỉ khác vài chữ giữa hai tên gọi nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, bản chất lại hoàn toàn khác nhau. 

Qua phân tích của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đề xuất sửa đổi Phụ lục - Danh mục các chỉ tiêu thống kê của Chính phủ còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay. Nhiều nội dung chưa được làm rõ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa có cơ sở để đánh giá việc chỉ sửa phụ lục các chỉ tiêu thống kê mà không sửa luật liên quan thì có đáp ứng được việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, việc cung cấp thông tin để Đảng, Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển cũng như công tác quản lý, điều hành hay không. 

Trong khi đó, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội không nhiều nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để làm rõ các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 10. Nếu công tác chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp. Trường hợp không bảo đảm chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho phép rút dự án Luật này khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để nghiên cứu thêm và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Lê Bình