Giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm chính sách minh bạch, khả thi

- Thứ Hai, 27/09/2021, 10:48 - Chia sẻ
Nêu ý kiến tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế, xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay, 27.9, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: các Ủy ban của Quốc hội phải tích cực tổ chức các phiên giải trình, ví dụ chuyển đổi mô hình chống dịch thì chuyển đổi như thế nào? Tiêm vaccine như thế nào? Giãn cách như thế nào? Các Ủy ban của Quốc hội cần làm việc với các cơ quan chuyên môn, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, minh bạch của chính sách. Đây là vấn đề rất quan trọng để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
 Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS Nguyễn Sỹ Dũng phát biểu tại Tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, điều quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế chính là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào. Theo ông, mô hình chống dịch đúng trong năm 2020 nhưng đã kéo quá dài và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc chuyển đổi mô hình chống dịch từ “Zero Covid” sang “sống chung với dịch”. Chúng ta không thể phong tỏa “cứng” nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian dài như vừa qua được nữa. Nhưng quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau do người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch, hệ quả tất yếu là chỉ cần có vài ca nhiễm họ sẽ “khóa cứng” địa phương mình lại, từ đây gây đứt gãy các hoạt động kinh tế, xã hội.

Chỉ ra những bất cập trong thực hiện các chính sách vừa qua, ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu ví dụ nhiều địa phương không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối hoạt động mà chỉ cho siêu thị hoạt động. Điều này sẽ “đánh” vào người nghèo. Khoảng 29,3 triệu người không có việc làm, thu nhập không có hoặc giảm rất sâu nhưng chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được mà phải mua hàng qua siêu thị với chi phí cao hơn. Chợ truyền thống đóng cửa thì những người sản xuất nhỏ, lẻ xung quanh các đô thị lớn cũng không thể tiếp cận siêu thị được. Những chính sách này gây tác động rất lớn. Nếu chuyển đổi mô hình chống dịch, ông Dũng cho rằng, cần mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào hoạt động của các chợ này.

Khi chuyển đổi mô hình chống dịch, điều quan trọng nhất theo ông Nguyễn Sỹ Dũng là phải mạch lạc trong chính sách và thực thi chính sách. Phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này mệnh lệnh phải từ Trung ương mới bảo đảm tính hệ thống được. “Nếu vẫn mỗi tỉnh một kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được? Chúng ta phải rất nghiêm túc xem lại với cách thức như hiện nay thì các nhà đầu tư đang muốn chuyển đổi các chuỗi cung ứng có muốn tìm đến chúng ta hay không?”

Một vấn đề quan trọng khác được ông Nguyễn Sỹ Dũng chỉ ra là lao động. Nghịch lý lao động của chúng ta là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đang thiếu trầm trọng lao động, nhất là sau đợt bùng phát dịch khiến hàng triệu lao động phải trở về quê. Nhưng các chuỗi cung ứng toàn cầu thì không thể đứt gãy được. Nếu chúng ta không có biện pháp kéo người lao động trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì hệ quả sẽ rất lớn về kinh tế.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cũng mong muốn Quốc hội tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình quản trị quốc gia. Có những việc phải được điều chỉnh rất gấp không thể chờ các kỳ họp thường niên của Quốc hội. Các Ủy ban của Quốc hội phải tích cực tổ chức các phiên giải trình, ví dụ chuyển đổi mô hình chống dịch thì chuyển đổi như thế nào? Tiêm vaccine như thế nào? Giãn cách như thế nào? Các Ủy ban của Quốc hội cần làm việc với các cơ quan chuyên môn, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, minh bạch của chính sách. Đây là vấn đề rất quan trọng để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Quỳnh Chi