Giảm áp lực cho ngân sách nhà nước

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:09 - Chia sẻ
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách nhà nước.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tháng 9, thu ngân sách nhà nước ước đạt 65.200 tỷ đồng, giảm khoảng 17.000 tỷ đồng so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng qua, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.077 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách trung ương ước đạt 76,5% dự toán và ngân sách địa phương ước đạt 84,7% dự toán. Thu nội địa ước đạt 872.280 tỷ đồng, đạt 77% dự toán, tăng 5,9%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng thu ngân sách nhà nước 9 tháng vẫn bảo đảm tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân là nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã duy trì được mức tăng trưởng khả quan, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Thế nhưng khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 4 đến nay, diễn biến thu nội địa có chiều hướng giảm, trong đó, thu nội địa từ thuế, phí, không kể yếu tố gia hạn từ mức tăng 9,1% của tháng 6 đã giảm 10,8% vào tháng 7 và đến tháng 8 giảm 21%, tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020. Về số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng qua ước đạt 175.300 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán và tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh so với tháng trước, cụ thể số thu tháng 8 giảm 19,1% so với tháng 7; tháng 9 giảm 13,6% so với tháng 8.

Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng có nhiều yếu tố bất lợi nhưng 9 tháng qua, ngân sách nhà nước đã chi ước đạt hơn 1.030 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 218.550 tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 725.300 tỷ đồng, bằng 70% dự toán… Ngân sách trung ương và địa phương cũng đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch với tổng số chi 29.100 tỷ đồng trong đó, ngân sách trung ương chi 16.350 tỷ đồng, các địa phương chi 12.750 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng có thặng dư, tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương lại có bội chi, ngân sách địa phương thặng dư lớn. Để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và cân đối ngân sách năm 2021. Tiếp tục huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng chống dịch, giảm áp lực cho cân đối ngân sách.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc vừa bảo đảm nguồn thu trên nguyên tắc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vừa điều tiết các khoản chi để không gây áp lực quá lớn lên ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng kịp thời cho các hoạt động chi ngân sách theo dự toán là nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, ngoài các giải pháp trước mắt, cần có chính sách, giải pháp căn cơ, cụ thể và lâu dài để tạo dựng, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.

Ninh Hà