Giảm chi phí tuân thủ pháp luật

- Thứ Năm, 05/08/2021, 06:17 - Chia sẻ
Một trong những giải pháp góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật là các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, đánh giá các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ ràng, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo; thiếu khả thi, khó tuân thủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Việc rà soát này bảo đảm không có quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 30.12.2020 về kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2021; UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số 2851/UBND-NCPC ngày 18.5.2021… Các sở, ngành liên quan đã rà soát, đánh giá các quy định về phí, lệ phí mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Hay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29.12.2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thực hiện thông tư này, chỉ tính riêng trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, tàu biển (trừ tàu bay), từ ngày 1.1.2021 - 15.6.2021, ước tính tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã giảm được khoảng gần 5 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu cung cấp dịch vụ công (ước tính giảm phí cho khoảng 600.000 phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm của hơn 18.000 cá nhân, tổ chức). 

Bên cạnh việc rà soát văn bản, thì việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nằm trong nỗ lực chung giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2021 tại Tuyên Quang, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận và giải đáp 19 ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 18 kiến nghị, phản ánh…

Ngoài ra, các địa phương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh duy trì hoạt động của các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn giải đáp các vướng mắc, kiến nghị cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid - 19. Đơn cử, tại Tây Ninh đã triển khai nhiều kênh giao tiếp giữa chính quyền và Nhân dân như Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh trên ứng dụng Zalo, kênh "Hỏi đáp trực tuyến", phản ánh, kiến nghị qua số điện thoại đường dây nóng, Tổng đài 1022, đặc biệt là qua Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế, xã hội tập trung của tỉnh…; Bạc Liêu tổ chức đối thoại cho các đối tượng là người nộp thuế, 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp; đối thoại trực tiếp 170 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải…

Nguyễn Minh