Kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư phát triển.

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 19:42 - Chia sẻ
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 sáng 23.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 5 năm tới cần đổi mới mạnh mẽ tài chính các đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy đầu tư, kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư phát triển.
	Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng 23.7

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong thời gian tới cần phát huy vai trò ngân sách Trung ương để giải quyết các vấn đề quan trọng của Quốc gia, vấn đề an sinh xã hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 5 năm tới cần đổi mới mạnh mẽ tài chính các đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy đầu tư, kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các chính sách thu liên quan đến thuế cần thận trọng; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến chính sách, nhất là chính sách thuế đối với người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát được nợ công, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, sử dụng hiệu quả nhất vốn vay nước ngoài, phải thay đổi tư duy vốn vay nước ngoài. Kiên quyết không vay cho chi thường xuyên, chỉ vay cho chi đầu tư phát triển. 

	Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Khóa XV Đặng Quốc Khánh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 4
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Khóa XV Đặng Quốc Khánh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 4 

Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu Quốc hội Tổ 4 (gồm các đoàn Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam và Bình Thuận) cơ bản đồng tình với báo cáo, nhận định đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn vừa qua. Cho rằng, dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ, nền tài chính quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước cả về xây dựng, tổ chức thực hiện, thể chế, chính sách pháp luật và các mục tiêu thu, chi, cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công. Báo cáo đã đánh giá tổng kết làm rõ kết quả, những tồn tại và nguyên nhân của các hạn chế trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ở 9 lĩnh vực tài chính quốc gia. Kết quả tổng thu NSNN luôn vượt dự toán, quy mô thu NSNN các năm 2016-2019 đạt bình quân khoảng 25,5% GDP. Về chi NSNN, Chính phủ đã điều hành ngân sách bám sát yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi.

đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu ý kiến
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng kế hoạch vay vốn cần phải tính toán kỹ cho các dự án khả thi; ưu tiên tăng chi cho lĩnh vực y tế; đổi mới mạnh mẽ tài chính các đơn vị sự nghiệp, kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên xuống để chi cho đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến chính sách thu thuế từ người dân, doanh nghiệp. Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận), hiệu quả chi thường xuyên chưa cao. Việc thực hiện một số chính sách của Chính phủ đến với doanh nghiệp, người lao động còn rào cản, khó tiếp cận nguồn vốn vay. Do đó, đề nghị Chính phủ tính toán, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người lao động được thụ hưởng từ các chính sách. Bên cạnh đó, việc chi cho đầu tư công gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khâu thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng. Mặt khác, hiệu quả đầu tư công còn rất thấp mà dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một điển hình. Thời gian tới, đề nghị cần tăng chi cho lĩnh vực mua sắm, đầu tư trang thiết bị y tế để bảo đảm điều kiện tốt nhất phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép".

Liên quan đến kế hoạch vay và trả nợ công, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng: 5 năm qua, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư chưa cao, đặc biệt là vốn ODA. Thực tế, nguồn vốn này khi vay về lại chuyển sang vốn cấp phát, gây ra áp lực trả nợ rất lớn cho Chính phủ. Do vậy, đề nghị chấm dứt tình trạng này ngay để minh bạch tài chính quốc gia. Đồng thời, kế hoạch vay vốn cần phải tính toán kỹ cho dự án khả thi; tăng chi cho đầu tư, giảm chi thường xuyên. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng nguồn thu; rà soát, chấn chỉnh các quỹ ngoài ngân sách, nhất là quỹ có nguồn chi từ ngân sách.

	đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu

Đồng quan điểm trên, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) hiến kế: Việc xây dựng kế hoạch tài chính phải chú trọng đến tính ổn định nền kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, phải tính toán, cân đối bảo đảm nguồn lực để thực hiện được Chương trình Mục tiêu quốc gia. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật hành chính ngân sách, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lân thương mại. Phấn đấu thu nội địa đạt 85% tổng thu ngân sách nhà nước; tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính… Có như thế mới bảo đảm được kế hoạch tài chính 5 năm.

TRỌNG HIẾU