Giảm rủi ro trong nhập khẩu gỗ

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:31 - Chia sẻ
Điều 5, 6 Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS) có hiệu lực từ ngày 30.10.2020 quy định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan công bố danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực và các loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, việc xây dựng các vùng địa lý tích cực và các loại gỗ rủi ro nhập khẩu là không đơn giản.

Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gỗ từ 20 - 22 quốc gia ở châu Phi. Xét về loài rủi ro, sẽ có 7/100 loài gỗ tròn rơi vào danh sách loài rủi ro, gỗ xẻ có 12/83 loài rủi ro nhập khẩu. Gỗ nhập từ Lào, với loài gỗ tròn cũng có 5/14 loài nằm trong danh sách loài rủi ro, gỗ xẻ có 25/64 loài rủi ro. Gỗ nhập từ Campuchia, các loài gỗ tròn có 7/15 loài rủi ro, gỗ xẻ có 14/32 loài rủi ro.

 Như vậy, số lượng vùng địa lý rủi ro và các loài gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm rất lớn. Điều này có nghĩa việc xây dựng danh sách vùng địa lý và loài rủi ro sẽ rất phức tạp, không chỉ đòi hỏi về nguồn lực, thời gian mà còn về chuyên môn kỹ thuật về phân loại các loài thực vật rừng, bao gồm cả những loài hiện chưa phổ biến đối với Việt Nam. Ngoài ra, đánh giá các tiêu chí về vùng địa lý rủi ro cũng đòi hỏi kiến thức chuyên môn cập nhật về các khía cạnh như quản trị lâm nghiệp, khung pháp lý, chuỗi cung, chứng chỉ… tại các quốc gia xuất khẩu. Những kiến thức này có thể vượt khỏi phạm vi và nguồn lực hiện nay của cơ quan quản lý lâm nghiệp của Việt Nam.

Trong điều kiện đó, để làm được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý lâm nghiệp của Việt Nam thành lập các nhóm làm việc (tổ kỹ thuật), với sự tham gia của các thành viên có chuyên môn trực tiếp về các khía cạnh liên quan. Các tổ kỹ thuật này đến từ nhiều cơ quan khác nhau: Từ các cơ quan quản lý liên quan, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, nhằm kết nối với các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam; đồng thời cập nhật về các khía cạnh khác nhau trong chuỗi cung nguyên liệu từ các quốc gia nhập khẩu gỗ vào Việt Nam.

Hoạt động của tổ kỹ thuật cũng cần có cơ chế mở, linh hoạt cho phép sự tham vấn rộng rãi của các bên liên quan, bảo đảm danh sách vùng địa lý và loài rủi ro được xây dựng dựa trên nền tảng thông tin đầy đủ và cập nhật nhất. Hiện các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung rủi ro này rất lớn (riêng thị trường châu Phi đã có khoảng 200  doanh nghiệp). Chính vì thế, việc cập nhật thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp sẽ giúp duy trì các chuỗi cung không bị đứt gãy, giảm tác động tiêu cực tới các bên tham gia vào các chuỗi cung này.

Có thể thấy việc xây dựng và kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loài rủi ro có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành, thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm Nghị định VNTLAS có hiệu lực mà danh sách vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố.

Trong bối cảnh đó, một trong những đề xuất đáng được quan tâm là trong dài hạn, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp; đồng thời có cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, bao gồm cả các loại ván làm từ rừng trồng. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu rủi ro trong nhập khẩu và xuất khẩu mà có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay.

Nguyễn Minh