Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022:

Giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích, yêu cầu

- Thứ Năm, 04/11/2021, 12:41 - Chia sẻ
Đại diện cơ quan thường trực của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lịch làm việc cụ thể của Đoàn giám sát với các địa phương sẽ được lựa chọn trên nguyên tắc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích.

Luật Quy hoạch "mang tính cách mạng" nhưng triển khai rất chậm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí với đánh giá của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến về kết quả, những nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc còn chậm triển khai hoàn thành công tác quy hoạch. Ông nhận định, đúng là Luật Quy hoạch rất khó và rất phức tạp và phương pháp rất mới, chính vì thế, Quốc hội Khóa XIV phải mất nhiều kỳ để thảo luận, xem xét, thông qua. Sau ba kỳ thảo luận, thông qua Luật Quy hoạch thì Quốc hội còn xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật, Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải sửa đổi 4 pháp lệnh. "Tóm lại có đến 73 luật, nghị quyết, pháp lệnh có liên quan đến công tác quy hoạch đã được xem xét để có một hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất và đồng bộ để triển khai công tác quy hoạch", ông Vũ Hồng Thanh cho biết. 
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Ảnh: Hồ Long

Hệ thống quy hoạch rất nhiều và yêu cầu phải triển khai đồng bộ vào một thời điểm, nên mới phức tạp. Nhưng so với hệ thống quy hoạch trước đây khi Chính phủ trình Quốc hội thì bây giờ đã gọn đi nhiều. "Trước đây có hơn 19.000 quy hoạch các cấp, từ quốc gia xuống cấp vùng, cấp tỉnh; bây giờ chỉ còn quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; 39 quy hoạch ngành, 6 quy hoạch vùng, dưới đó 63 quy hoạch của các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong các tỉnh, thành phố có 5 thành phố trực thuộc Trung ương có quy hoạch xây dựng (dưới đó là quy hoạch đô thị và nông thôn). So với yêu cầu tích hợp của Luật Quy hoạch, số lượng hệ thống quy hoạch đã giảm rất nhiều và loại bỏ các quy hoạch mang tính chất phi thị trường như quy hoạch về sản phẩm, về dịch vụ, chúng ta thay quy định đó bằng cách đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn để quản lý nhà nước đối với các quy hoạch này. Đây là tính cách mạng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định. Nếu hệ thống quy hoạch sớm được thông qua và ban hành sẽ giúp chúng ta khơi thông nguồn lực và khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực và có tính kết nối liên vùng. "Yêu cầu đặt ra là như thế và trong quá trình Quốc hội thảo luận để thông qua Luật Quy hoạch cũng đã lường trước được những khó khăn này. Mặc dù Luật Quy hoạch duyệt từ cuối năm 2017, xác định ngày 1.1.2019 có hiệu lực thi hành; song chúng ta đã cho phép việc lập quy hoạch đề ra từ 1.3.2018 cho Chính phủ, các ngành, các địa phương có thời gian để triển khai lập công tác quy hoạch. Các văn bản, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã yêu cầu phải sớm hoàn thiện", ông cho biết. 

Hiện nay, Ủy ban Kinh tế cũng đang thẩm tra quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 trình Quốc hội thông qua. Còn quy hoạch tổng thể quốc gia đang ở giai đoạn nhiệm vụ quy hoạch. Quy hoạch không gian biển quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ở nhiệm vụ quy hoạch. Với quy hoạch ngành, có 3 quy hoạch của ngành giao thông vận tải đã được Chính phủ thông qua, còn khoảng 36 quy hoạch ngành khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói đang ở giai đoạn lập. Như vậy, hệ thống quy hoạch được triển khai so với yêu cầu của Đảng, Quốc hội rất chậm, nên việc đưa nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch vào giám sát tối cao, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế là hết sức cần thiết.

Tại sao cùng cơ chế, chính sách, pháp luật mà địa phương này làm được, địa phương khác lại vướng? 

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết để thành lập Đoàn giám sát, Đoàn đã rất tích cực triển khai, phối hợp với các cơ quan có liên quan. Kiểm toán Nhà nước đã tham gia rất tích cực vào kế hoạch, đề cương chi tiết. Đoàn giám sát cũng đã gửi đề cương chi tiết với 5 mục đích, 3 yêu cầu, 6 nội dung, kèm theo đó đối tượng và phạm vi rất cụ thể. Cũng có ý kiến đặt ra vấn đề mốc thời gian, thì trong đề cương đã yêu cầu rất cụ thể, riêng công tác lập quy hoạch từ 1.3.2018 đến ngày 15.12.2021; còn các nội dung khác của theo thực hiện theo Luật Quy hoạch từ 1.1.2019, thời điểm có hiệu lực và kết thúc vào thời điểm ngày 15.12.2021. Trong các đề cương mà Đoàn giám sát có gửi cho các cơ quan có liên quan, đối tượng được giám sát thì có đề cương cụ thể gửi cho Chính phủ, đề cương riêng cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Còn đối với HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH các tỉnh cũng đã có các yêu cầu rất rõ trong các đề cương.

Về mốc thời hạn có 3 mốc: Ngày 15.12, UBND các địa phương, các Bộ, ngành sẽ có báo cáo gửi về cho Đoàn giám sát. Ngày 30.12 Chính phủ sẽ hoàn thiện báo cáo trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, của các địa phương. Ngày 15.1, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn ĐBQH, HĐND các địa phương gửi báo cáo về Đoàn giám sát.

"Ý kiến của TP Hà Nội đặt vấn đề là phải phối hợp điều hòa như thế nào? Riêng Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, sau khi chúng tôi nhận được báo cáo của tất cả các đầu mối, thì khi đấy mới rà soát lại xem chọn bộ, ngành nào, chọn địa phương nào có trọng tâm, trọng điểm. Như ý kiến của TP. Hà Nội là hai địa phương đã thực hiện xong quy hoạch và trình Thủ tướng phê duyệt là Bắc Giang, Hà Tĩnh, thì chắc chắn chúng tôi phải có kế hoạch làm việc với địa phương này, để xem tại sao cùng cơ chế, chính sách, cùng hệ thống pháp luật mà địa phương này làm được, còn địa phương nào phát hiện ra còn nhiều vướng mắc, còn nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ đặt vấn đề làm việc. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng là những Bộ tham mưu cho Chính phủ để triển khai hệ thống quy hoạch này, chúng tôi cũng dự kiến sẽ làm việc", ông Vũ Hồng Thanh cho biết. 

Tuy đến nay chưa có lịch làm việc với các địa phương, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, sau khi có kết quả báo cáo về, Đoàn giám sát sẽ có kế hoạch cụ thể trên nguyên tắc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và đúng mục đích, nhất là xem xét trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cái gì tốt, cái gì chưa tốt, cái gì còn vướng mắc, khó khăn. Như Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, nếu vướng mắc do luật thì cụ thể, vướng ở điều nào, khoản nào, Đoàn giám sát phải chỉ rõ ra; hay là vướng mắc về công tác tổ chức triển khai thực hiện, vướng mắc ở các thông tư trong hệ thống pháp luật đã ban hành.

"Chúng tôi mong rằng, với thời hạn và nội dung như thế, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương sớm báo cáo theo đúng tiến độ, để giúp Đoàn giám sát có thông tin triển khai bước tiếp theo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4.2022", ông Thanh đề nghị. 

Hoàng Ngọc