TP Hồ Chí Minh

Giám sát chặt các thông số ô nhiễm không khí

- Thứ Ba, 08/12/2020, 07:08 - Chia sẻ
Ô nhiễm không khí đang là mối quan tâm không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà của hầu hết thành phố khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để bảo đảm phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng 1,5 - 2 lần

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với những nguy cơ về ô nhiễm không khí, thậm chí ô nhiễm bụi đang ở mức báo động, mỗi năm gây tử vong khoảng 1.397 người. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên - Môi trường, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho thấy, các khí gây ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, NO2, SO2, CO... đều vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 - 2 lần theo quy chuẩn Việt Nam.

		Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí Nguồn: ITN
Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí
Nguồn: ITN

Theo khảo sát, ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh phần lớn là do khí thải nhà kính từ hoạt động giao thông, sử dụng năng lượng, hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng. Trong đó, mức thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông chiếm 65,4%, sử dụng năng lượng chiếm 91% tổng lượng phát thải. Theo dự báo, nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả, các chất khí thải này sẽ tăng thêm 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Đơn cử như thực hiện các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp. Áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường; thực hiện kiểm kê khí thải xe máy, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Tài nguyên - Môi trường Hồ Quốc Bằng cho biết, các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn ít nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, với những tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi so với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như PM 10, PM 2.5. Chưa kể, TP Hồ Chí Minh cũng không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với CO, NO tại một số khu vực trung tâm.

Đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát lượng phát thải

Ô nhiễm không khí đang là mối quan tâm không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà của hầu hết thành phố khác của Việt Nam cũng như trên thế giới. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để bảo đảm phát triển kinh tế, không làm ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã nhận được đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á về việc thực hiện dự án TA 9068 - Nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí cho thành phố. Dự án tập trung vào các nhiệm vụ chính như đánh giá tình hình chất lượng không khí hiện nay; đánh giá, lựa chọn chính sách và công nghệ hiệu quả để giải quyết chất lượng không khí; xây dựng kế hoạch hành động không khí sạch cùng với ước tính đầu tư cho kiểm soát ô nhiễm không khí.

Theo Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng, TP Hồ Chí Minh cần tái đầu tư các trạm quan trắc và đầu tư thêm mạng lưới giám sát chất lượng môi trường không khí để có thể giám sát thông số ô nhiễm không khí như CO, NO2, các hợp chất hữu cơ, các loại bụi mịn… Việc sử dụng các trạm quan trắc tự động giúp kiểm soát tình hình chặt chẽ hơn, phát hiện các địa chỉ gây ô nhiễm nhanh và chính xác hơn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc quy định chi tiết, rõ ràng và nghiêm ngặt quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm theo hướng đưa ra một tải lượng xả thải cụ thể, thay vì nồng độ xả thải; cần đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát lượng phát thải xe gắn máy, khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng cũng như đẩy mạnh hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính. Qua đây, có thể thiết kế kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí hiệu quả, thiết lập các quy định và giấy phép phát thải, xả khí thải, xây dựng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng sẽ là một ưu tiên ở giai đoạn tiếp theo, là giải pháp khá toàn diện bên cạnh các mô hình kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp. Với chu trình khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc tiết kiệm tài nguyên, hạn chế xả thải ra môi trường, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường.

Lê Chi