Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Giám sát chặt chẽ để phát huy hiệu quả cao nhất

- Thứ Năm, 28/10/2021, 06:24 - Chia sẻ
Thảo luận trực tuyến tại phiên họp sáng qua, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó, lan tỏa đến các địa phương, đóng góp cho sự phát triển của vùng cũng như cả nước. Để phát huy hiệu quả cao nhất của các cơ chế, chính sách này, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xác định một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở và căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam): Bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu

Dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở và căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện. Về cơ chế, chính sách cụ thể cần cân nhắc nghiên cứu kỹ từng thế mạnh của từng tỉnh để có những chính sách cho phù hợp, để phát huy được cao nhất thế mạnh và đạt được hiệu quả cao nhất của các tỉnh. Ví dụ có những tỉnh ở trong này có lợi thế phát triển về rừng, thậm chí nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế chiến lược phát triển rừng của quốc gia. Rừng bây giờ không chỉ là vấn đề của các địa phương, của tỉnh nữa, mà là của vùng, của khu vực và thậm chí của cả thế giới. Nhưng bây giờ lợi thế phát triển rừng mà Quốc hội lại trao “thượng phương bảo kiếm” cho địa phương để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì có những quy định cụ thể để kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng, sau đó khi tổng kết lại vấn đề chiến lược phát triển rừng có đạt được không?

Về phần tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và của cấp tỉnh. Tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu và thậm chí cả chế tài trong việc tổ chức thực hiện đúng, thực hiện nghiêm và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Vì tôi cho rằng, Nghị quyết này là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm, nhưng việc có thêm chế tài, có thêm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cũng sẽ khẳng định với các tỉnh, thành phố còn lại phải có bản lĩnh thì mới dám “xin” cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, cũng nên xác định rõ các tiêu chí khi nào, tỉnh nào, điều kiện nào thì được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù.

ĐBQH Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn): Nhiều dư địa phát triển

Tôi đồng tình và nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế bởi đây là những địa phương có nhiều dư địa để phát triển, kể cả về nhân lực, cơ sở vật chất. Đây là việc thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đóng góp vốn, nhanh chóng phát huy lợi thế sẵn có để thực hiện mục tiêu đưa 4 tỉnh, thành phố này phát triển nhanh, bền vững, từ đó có tác động lan tỏa đến các địa phương, đóng góp cho sự phát triển kinh tế vùng cũng như cả nước nói chung.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ, trong đó có những địa phương có 6 cơ chế đặc thù, có địa phương có 8 cơ chế đặc thù. Đây là điều kiện rất phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Đối với chính sách về đất đai, cụ thể việc chuyển mục đích đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, để thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Chính phủ kiến nghị giao cho HĐND tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô dưới 50ha đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Đây là cơ chế tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực cho địa bàn của tỉnh. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới, tiến hành rà soát tổng thể chung của cả nước để trình Quốc hội xem xét, tăng thẩm quyền đối với HĐND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm tạo điều kiện cho các địa phương.

Đối với chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, tôi đồng tình nhưng cũng đề nghị cần tính đến yếu tố đối với các tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh còn rất hạn chế, việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài các chính sách hiện nay, Chính phủ cần quan tâm điều tiết hợp lý, tránh tình trạng tỉnh nào mạnh, tỉnh nào có lợi thế thì tỉnh đó được quan tâm, được ưu ái, thiếu sự điều tiết của Chính phủ hoặc của Trung ương.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông): Bảo đảm các nguyên tắc chuyển mục đích của đất rừng

Tôi tán thành cao với sự cần thiết ban hành các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Việc ban hành các nghị quyết của Quốc hội phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa các chủ trương của Bộ Chính trị đối với 4 địa phương này. Xét về vị trí địa lý, về chính trị, kinh tế, xã hội cũng như các bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, có thể thấy các địa phương này có vị trí quan trọng trong cả nước và mối quan hệ khu vực và quốc tế.

Trong đó, Hải Phòng là địa phương có nhiều thế mạnh, nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An nằm ở Bắc Trung Bộ, có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển, đều là tỉnh lớn, có dân số đông, có nhiều đơn vị hành chính các cấp, địa bàn rộng, phức tạp, có đủ các vùng miền, bao gồm cả đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển, đảo lại có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Đặc biệt, Thanh Hóa, Nghệ An cách không xa Hà Nội, bên cạnh đó, tam giác phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng là lợi thế lớn cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Nếu có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố này phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng trong đầu tư phát triển và có thể trở thành cực tăng trưởng mới đủ mạnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế vùng và quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong 4 địa phương chỉ có Hải Phòng là tự cân đối được thu, chi ngân sách và có thể điều tiết về Trung ương. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ hơn cho 3 địa phương còn lại thì mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển đặt ra với các địa phương. Đối với Thanh Hóa, đề nghị rà soát kỹ về cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết, bảo đảm phù hợp với đặc thù của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, chính sách trong dự thảo nghị quyết chỉ là chính sách thí điểm trong một khoảng thời gian nhất định, qua đó để có cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng các chính sách thực hiện lâu dài sau này, việc thí điểm tại các tỉnh này cũng thể hiện tại các nghị quyết của Trung ương. Về chính sách phân cấp, ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng của Nghệ An, Thanh Hóa, vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường, rừng sản xuất, đề nghị bổ sung quy định các nguyên tắc trong việc chuyển mục đích của đất rừng quy định tại Luật Lâm nghiệp như: phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống của người dân.

Nguyễn Bình ghi